PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THÁNG 02 - NHẬN ĐỊNH NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 3 NĂM 2010


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


TP.Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 03 năm 2010

Số : 44/BC-TTDB & TTTTLĐ     


BÁO CÁO
PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THÁNG 02 -

NHẬN ĐỊNH NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 3 NĂM 2010



I/ PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ THÁNG 01 NĂM 2010


   Theo kết quả khảo sát định kỳ, tổng hợp và phân tích của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh tại 450 doanh nghiệp – 3420 nhu cầu tuyển dụng và trên 460 người có nhu cầu tìm việc làm trong tháng 02/2009, cho thấy:


  1/ Về cầu lao động


     a/ Theo cơ cấu ngành nghề


      Trong tháng 02 chỉ số cầu nhân lực giảm 84,39% so với chỉ số cầu nhân lực tháng 01. Những ngành nghề có số lượng tuyển dụng nhiều trong tháng 02 là ngành nghề Dịch vụ - Phục vụ 12,05%, Dệt - May – Giày da 11,59%, Marketing – Nhân viên kinh doanh 10,80%, Công nghệ thông tin 10,04%, Bán hàng 9,19%. Tháng 02 nhằm vào dịp tết nguyên đán, nhu cầu của người dân về mua sắm và các dịch vụ tăng cao. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan cần tuyển dụng lao động nhiều, chủ yếu là lao động phổ thông và sơ cấp nghề.


      Ngành công nghệ thông tin, kế toán, quản lý hành chính – nhân sự, thư ký văn phòng cũng là các ngành tuyển dụng nhiều trong tháng 02, do các doanh nghiệp bổ sung nguồn nhân lực mới cho nhu cầu phát triển năm 2010.


     b/ Theo cơ cấu trình độ nghề


      Nhu cầu tuyển dụng trong tháng 02/2010 cho thấy các doanh nghiệp vẫn tập trung chủ yếu vào nguồn lao động phổ thông với chỉ số tuyển dụng là 34,79% chủ yếu cho các ngành nghề Bán hàng - Marketing -  Nhân viên Kinh doanh, Dịch vụ - Phục vụ, Dệt – May – Giày da, Xây dựng - Kiến trúc. Đồng thời các doanh nghiệp vẫn chú ý đến các lao động có tay nghề và trình độ cao cụ thể Trung cấp – Trung cấp nghề 21,36 %, Đại học 19,37% chủ yếu là lĩnh vực Xây dựng - Kiến trúc, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán và Công nghệ thông tin, quản lý, hành chính - nhân sự, thư ký văn phòng



5 nhóm ngành nghề có chỉ số cầu cao nhất tháng 02/2010

 


 

  2. Về cung lao động


    a/ Theo cơ cấu ngành nghề


     Chỉ số cung tháng 02 giảm 76,69% so với tháng 01 chủ yếu người tìm việc làm là lao động đã qua đào tạo, có nghề chuyên môn .


     Dẫn đầu chỉ số cung vẫn là nhóm nhân lực ngành nghề Kế toán - Kiểm toán 34,93 %. Kế đó là các nhóm ngành Marketing -  Nhân viên Kinh doanh 13,97 %, Quản lý nhân sự -Hành chánh văn phòng 10,04%, Công nghệ thông tin 9.61%, đa số là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và có kinh nghiệm. Vấn đề này minh chứng rõ nét hơn tình trạng dịch chuyển chỗ làm việc đã được dự đoán về tình hình nhân lực sẽ diễn ra năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh và giữa thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước.


    b/ Theo cơ cấu trình độ nghề


     Chỉ số cung trình độ đại học (46.72%), cao đẳng (22.05%), trung cấp (20.96%), sơ cấp nghề và lao động phổ thông (10,27%).


     Nhận định chung về Cung - Cầu thị trường lao động trong tháng 01 và tháng 02 năm 2010 cho thấy các doanh nghiệp  có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung chủ yếu vào các ngành nghề Xây dựng - Kiến trúc, Tài chính - Ngân hàng , Kế toán - Kiểm toán và Công nghệ thông tin, Quản lý nhân sự -Hành chánh văn phòng.


     Tuy nhiên số lượng nguồn cung lao động ở trình độ nghề sơ cấp và phổ thông có nhu cầu tìm việc làm vẫn chiếm tỉ lệ thấp, tạo thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này.
Có thể thấy nguồn cung và cầu trong quý I năm 2010 đều đang ở nhịp độ tăng kể cả nhu cầu việc làm mới và người mới tìm việc làm lần đầu, nhưng tình trạng mất cân đối Cung – Cầu nhất là đối với những ngành sử dụng nhiều lao động vẫn gặp khó khăn trong việc không tuyển dụng được đủ nhân lực theo yêu cầu kế hoạch. 


5 nhóm ngành nghề có chỉ số cung cao nhất tháng 02/2010
 

 

II/ NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG VÀ CƠ CẤU NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 3 NĂM 2010


   Tháng 3; thị trường lao động thành phố có xu hướng tuyển dụng nhiều ngành nghề;đồng thời các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ tập trung tuyển lao động sơ cấp nghề, lao động phổ thông. Tổng số chỗ làm việc trong tháng vẫn giữ mức nhu cầu khoảng 50.000 người bao gồm cơ cấu trình độ 20% lao động có chuyên môn cao, 30% lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp và 50% lao động có trình độ sơ cấp nghề, lao động phổ thông.


   Về nhu cầu nhân lực sơ cấp nghề và phổ thông, số chỗ làm việc chiếm đa số các nhóm ngành nghề: Bán hàng, tiếp thị, tư vấn, giám sát bán hàng, may - dệt - giày da, chế biến thực phẩm – hải sản; phục vụ; lễ tân; nấu ăn – bếp; bảo vệ; vệ sinh công nghiệp (công việc vệ sinh bên ngoài nhà cao tầng), bảo trì thiết bị, công nhân xây dựng, lái xe, bảo mẫu, giúp việc nhà.


   Về nhu cầu nhân lực cao cấp, cao đẳng và trung cấp số chỗ làm việc chiếm đa số các ngành nghề: Giám đốc, trợ lý giám đốc, quản lý hành chính – nhân sự - tài chính – đào tạo, trợ lý văn phòng, công nghệ thông tin, marketting, du lịch – nhà hàng – khách sạn, quản lý dự án – dự toán – kiểm tra sản phẩm, kỹ thuật in – nhựa – xây dựng – cơ khí – cơ điện – điện tử - viễn thông; kinh doanh thiết bị kỹ thuật – giám sát công trình, kỹ thuật dược – mỹ phẩm.


   Nhìn chung sự thiếu hụt lao động và dịch chuyển lao động vẫn tiếp tục diễn biến, khả năng nguồn cung và cầu thị trường lao động chỉ đáp ứng với nhau được từ 65% đến 75% tổng nhu cầu việc làm đặc biệt vẫn thiếu hụt trên 50% lao động phổ thông, sơ cấp nghề. Mức độ dịch chuyển lao động chiếm tỉ trọng bình quân trên 20% nhân lực các ngành nghề; khả năng biến động lao động có thể tăng mạnh tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố, do các doanh nghiệp mới thành lập hoặc phát triển thu hút nhân công có nghề trung cấp, sơ cấp và phổ thông. Trong tháng 3 thị trường lao động thành phố sôi động và tích cực hơn do có sự tác động của các hoạt động sàn giao dịch, việc làm và ngày hội việc làm và các hoạt động tư vấn việc làm – tuyển sinh năm 2010.


Dự báo nhu cầu nhân lực theo ngành nghề tháng 03-2010

 

STT Nhóm ngành nghề Tỉ trọng %
 1 Quản lý kinh tế -Kinh doanh  - Quản lý chất lượng  1.45
 2 Du lịch- Nhà hàng - Khách sạn  2.32
 3 Bán hàng - Marketing -  Nhân viên Kinh doanh  19.28
 4 Dịch vụ và phục vụ  17.06
 5 Tài chính - Ngân hàng - Kế toán - Kiểm toán  2.75
 6 Tư vấn - Bảo hiểm  1.72
 7 Pháp lý - Luật  0.12
 8 Nghiên cứu - Khoa học  0.03
 9 Quản lý nhân sự - Tổ chức  1.59
 10 Hành chánh văn phòng  1.42
 11 Giáo dục - Đào tạo - Thư viện  1.56
 12 Ngoại ngữ - Biên phiên dịch  0.23
 13 Xây dựng - Kiến trúc  1.50
 14 Công nghệ thông tin -Viễn thông - Truyền thông  4.14
 15 Cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy  4.31
 16  Điện - Điện tử - Điện công nghiệp - Điện lạnh  5.72
 17  Giao thông-Vận tải-Thủy lợi-Cầu đường  4.13
 18  Dầu khí - Địa chất  0.17
 19  Môi trường- Xử lý chất thải  0.09
 20  Thiết kế - Đồ họa - In ấn - Bao bì - Xuất bản  1.10
 21  Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu  0.47
 22  Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản  0.22
 23  Y tế - Chăm sóc sức khỏe - Mỹ Phẩm  0.90
 24  Dược - Công nghệ sinh học  0.34
 25  Hóa-Hóa thực phẩm- Hóa chất-Hóa dầu  0.04
 26  Chế biến thực phẩm - Sản xuất  5.21
 27  Dệt - May - Giày da  20.05
 28  Ngành nghề khác  2.07

 

Nơi gửi                                 
- Ban Giám đốc Sở                            
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm
- Lưu

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC

 

 

 Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024925868

TRUY CẬP HÔM NAY: 6048

ĐANG ONLINE: 41