PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 12 NĂM 2011 VÀ NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC THÁNG 01 VÀ THÁNG 02 NĂM 2012 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
      
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 12 năm 2011
Số: 212/BC-TTDB&TTTTLĐ  

 

BÁO CÁO

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 12 NĂM 2011

VÀ NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC THÁNG 01 VÀ THÁNG 02 NĂM 2012 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

            Thực hiện việc khảo sát, cập nhật cung – cầu lao động trên địa bàn thành phố từ các hoạt động sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp - việc làm, các tổ chức hoạt động giới thiệu việc làm và hệ thống thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp tại thành phố trong tháng 12 năm 2011, với tổng số 2158 doanh nghiệp – 18.430 chỗ làm việc cần tuyển dụng, kể cả tuyển dụng lao động thay thế và thời vụ; đồng thời khảo sát 5.187 người có nhu cầu tìm việc làm.

 

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh  tổng hợp, phân tích tình hình thị trường lao động thành phố có những diễn biến như sau:

 

I. SO SÁNH PHÂN TÍCH CHỈ SỐ CUNG – CẦU NHÂN LỰC THÁNG 12 NĂM 2011:

 

            1.Nhu cầu nhân lực:      

    

Thị trường lao động tháng 12/2011 chỉ số nhu cầu tuyển dụng tăng 35,45%  so với tháng 11/2011. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao là ngành nghề cần nhiều lao động phổ thông (43,24%) cho việc làm thời vụ cuối năm như: Nhân viên kinh doanh – Marketting (20,02%), Bán hàng (13,47%), Dịch vụ - Phục vụ (10,20%), Xây dựng - Kiến trúc (6,95%)… Các doanh nghiệp trong lĩnh vực Dệt may – Da giày,  sản xuất – chế biến thực phẩm, ưu tiên tuyển dụng lao động có nghề chuyên môn để bổ sung nhân lực kỹ thuật cho năm 2012.

 

Chỉ số nhu cầu tuyển dụng về trình độ nghề cụ thể như sau:

 

+ Đại học (12,82%) tăng 10% so với 11/2011; Cao đẳng (12,55%) tăng 60,56% so tháng 11/2011:  tập trung một số ngành nghề như Marketing -  Nhân viên Kinh doanh, Kế toán - Kiểm toán, Bán hàng, Xây dựng - Kiến trúc, Giáo dục - Đào tạo - Thư viện, Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng, Công nghệ thông tin …

 

+ Trung cấp (15,47%), Công nhân kỹ thuật – Sơ cấp nghề (12,64%) tập trung vào một số ngành nghề như Dệt may – Giày da, Cơ khí – Luyện kim, Marketing -  Nhân viên Kinh doanh, Bán hàng, Kế toán – Kiểm toán, Xây dựng – Kiến trúc, Điện tử, Viễn thông, Tư vấn – Bảo hiểm, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Công nghệ thông tin…

 

Trong tháng 12, các doanh nghiệp chú trọng xây dựng kế hoạch chăm lo tết cho người lao động. Tuy năm 2011 nhiều khó khăn hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhưng đa số các doanh nghiệp đều quan tâm chăm lo thưởng cuối năm và tết cho người lao động, với mục đích tạo sự khích lệ để người lao động ổn định việc làm, hạn chế việc thiếu hụt lao động trong tháng 02/2012 thời điểm sau tết.

 

Nhận định chung, thị trường lao động thành phố tháng 12/2011 ổn định, mức độ dịch chuyển lao động không cao. Việc tuyển dụng lao động phổ thông không nhiều như tháng cuối năm 2010, lý do năm 2011 Tết Nguyên đán đến sớm so năm trước, các doanh nghiệp tập trung các hoạt động bán hàng, tiếp thị sản phẩm, các hoạt động dịch vụ, do đó nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ nhiều vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất – kinh doanh cuối năm vừa tạo nguồn nhân lực cho năm 2012 của mỗi doanh nghiệp.

 

Những nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng 12/2011

 

 

 

Chỉ số nhu cầu nhân lực theo trình độ nghề trong tháng 12/2011

 

 

2.Nguồn cung nhân lực:

 

Những ngành nghề có nguồn cung nhân lực cao như Kế toán – Kiểm toán (22,85%), Marketing – Nhân viên kinh doanh (12,26%), Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng (11,68%), Công nghệ thông tin (6,30%),  Quản lý điều hành (6,36%), Xây dựng – Kiến trúc (4,16%)…

 

Về trình độ nghề, người lao động có nhu cầu tìm việc làm, có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao hơn, cụ thể Đại học (61,93%), Cao đẳng (20,93%), Trung cấp (10,35%). Trong tháng 12/2011 nguồn sinh viên học sinh trong các trường đại học, cao đẳng dồi dào là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân lực thời vụ.

 

+ Kế toán – Kiểm toán : Trong tháng 12 sự chênh lệch cung – cầu giảm về số lượng so với những tháng trước. Nhưng có sự nghịch lý trong nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung nhân lực về trình độ chuyên môn và kỹ năng.

 

 

+ Công nghệ thông tin: So với nhu cầu tuyển dụng, nguồn cung nhân lực không đáp ứng đủ. Đây là nghịch lý giữa cung và cầu nhân lực về trình độ chuyên ngành và cơ cấu tuyển dụng ngành công nghệ thông tin.

 

Chỉ số nguồn cung nhân lực theo trình độ nghề trong tháng 12/2011

 

 

II. NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC THÁNG 01 VÀ 02 NĂM 2012:

 

            Tháng 01/2012, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ không tăng trong các ngành cần lao động trực tiếp sản xuất, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu các ngành dịch vụ nhưng không nhiều trong thời điểm đầu tháng 01/2011. Thời điểm này, các doanh nghiệp tập trung, chú trọng việc chăm lo tết cho người lao động để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động sau tết.

 

            Tháng 02/2012, các doanh nghiệp chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh của năm 2012, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp có thể tính đến việc kiện toàn lại bộ máy nhân sự. Thời điểm này các doanh nghiệp cần nguồn lao động trực tiếp sản xuất, do đó có thể diễn biến tình trạng thiếu hụt lao động và liên tục tuyển dụng lao động nhưng sẽ không ồ ạt như những năm trước mà có xu hướng chọn lọc để có thể tối ưu hóa việc sản suất. Sự dịch chuyển lao động có thể sẽ diễn ra trong tháng 02 những tháng tiếp theo của quý I và giữa quý 2 năm 2012. Dự kiến sự dịch chuyển lao động khoảng 20% tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.

 

            Dự kiến trong tháng 01 và 02 năm 2012 nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh khoảng 45.000 chỗ làm việc (tháng 01: 15.000, tháng 02: 30.000). Với cơ cấu trình độ đại học – trên đại học (7,00%), cao đẳng (8,00%), trung cấp (13,00%), công nhân kỹ thuật – sơ cấp nghề (15,00%), lao động phổ thông (57,00%). Tập trung vào một số ngành nghể như: Dệt may – Da giầy, Xây dựng, Cơ khí, Điện – Điện tử, Viễn thông, Marketing, Dịch vụ - Phục vụ…

 

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC



Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024930260

TRUY CẬP HÔM NAY: 3008

ĐANG ONLINE: 77