PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 4 VÀ XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC THÁNG 5 NĂM 2012 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
      
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 04 năm 2012
Số: 78/BC-TTDB&TTTTLĐ  

 

BÁO CÁO

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 4

VÀ XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC THÁNG 5 NĂM 2012

TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

            Theo định kỳ, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 4/2012, đã thực hiện khảo sát, cập nhật thông tin cầu lao động tại 1.955  doanh nghiệp với 20.939 nhu cầu tuyển dụng lao động và thu thập thông tin cung của 10.380 người có nhu cầu tìm việc làm tại Thành phố.

 

I. CHỈ SỐ CUNG – CẦU NHÂN LỰC THÁNG 4 :

 

 1.Về cơ cấu ngành nghề:  

 

   So với tháng 03/2012, chỉ số cầu nhân lực tháng 04/2012 của một số ngành giảm là Quản lý nhân sự - Hành chính văn phòng, Dệt may – Da giày, Điện tử - Viễn thông, Tài chính – Ngân hàng, Chế biến lương thực – thực phẩm … kể cả giảm nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian, thời vụ như nhân viên nhập dữ liệu, bán hàng, công nhân lao động sản xuất, chế biến…. Một số ngành có chỉ số cầu nhân lực tăng là: Tư vấn – Bảo hiểm, Công nghệ thông tin, Cơ khí, Hóa chất, Giáo dục – Đào tạo, Nông nghiệp – Lâm nghiệp, Công nghệ sinh học….

 

   Tháng 4/2012, thị trường lao động tiếp tục sự dịch chuyển chỗ làm việc, đáng chú ý là sự dịch chuyển lao động có tay nghề trong các ngành gia công - sản xuất, Dệt, May, Giày da, Chế biến thủy sản, Thực phẩm, Xây dựng, Nhân viên kinh doanh, Bán hàng, Kế toán, Quản lý hành chính-Sản xuất-Kinh doanh…

 

  • Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng 04/2012

 

   Nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động là nhóm ngành Nhân viên kinh doanh – Marketing (18,79%), Dịch vụ - Phục vụ (14,37%), Tư vấn – Bảo hiểm (7,86%), Bán hàng (7,63%), Quản lý nhân sự - Hành chính văn phòng (7,33%), Công nghệ thông tin (5,52%), Dệt may – Da giày (5,45%)… đặc biệt trong tháng 4/2012 ngành nghề Bảo hiểm có nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng 102,09% so tháng 03/2012, xếp thứ 3 trong những nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất và là ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng liên tục tăng trong những tháng đầu năm 2012.

 

  • Sự nghịch lý giữa cung – cầu vẫn phổ biến rõ nét:

 

- Nhóm ngành nghề Tư vấn – Bảo hiểm: nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành này liên tục có xu hướng tăng, nhưng nhu cầu tìm việc nhóm ngành này chiếm tỷ lệ thấp trong nguồn cung.

 

- Ngành nghề Kế toán, trong tháng 4/2012 dịch chuyển lao động khá cao, trên 50% nhu cầu tìm việc làm nghề Kế toán là những lao động có trên 2 năm làm việc và yêu cầu mức lương khá cao (5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng). Sự chênh lệch, cung vượt cầu tiếp tục diễn ra.

 

- Ngành Công nghệ thông tin: nhu cầu tuyển dụng tháng 4/2012 tăng khá cao (tăng 98,28%) so với tháng 03/2012. Nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng 70% so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

 

   Một số nhóm ngành nghề cũng có sự chênh lệch giữa cung và cầu lao động như: Xây dựng – Kiến trúc, Nhân viên kinh doanh – Marketing, Bán hàng, …

 

   Tổng quan thị trường lao động trong tháng 4/2012; tiếp tục tình trạng dịch chuyển lao động ớ mức 25% chủ yếu là lao động phổ thông, sơ cấp nghề trong lĩnh vực gia công – sản xuất – chế biến, cùng vớilao động bị mất việc, thất nghiệp đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng theo xu hướng không ổn định.

 

   Trong tổng số người tìm việc làm tháng 04/2012, trên 50% có thời gian làm việc trên 1 năm. Nhu cầu tuyển dụng lao động cho các hoạt động sản xuất, chế biến giảm so tháng 03/2012 và quý I/2012 do nhiều doanh nghiệp không mở rộng sản xuất, chỉ duy trì quy mô hoạt động ở mức cũ hoặc thấp hơn năm 2011.

 

6 ngành nghề có chỉ số nhu cầu nhân lực cao nhất trong tháng 04/2012

 

 

6 ngành nghề có chỉ số cung nhân lực cao nhất trong tháng 04/2012

 

 

2. Vềcơ cấu trình độ nghề:

 

   Trong tháng 04/2012, cơ cấu nhu cầu tuyển dụng ổn định; các doanh nghiệp chú trọng tuyển chọn lao động có nghề chuyên môn, đồng thời tuyển dụng một số lượng (47% nhu cầu tuyển dụng) công nhân sản xuất – kinh doanh có trình độ sơ cấp nghề, lao động phổ thông để bù đắp sự di chuyển lao động, thiếu hụt lao động.

 

Cơ cấu tuyển dụng lao động theo trình độ nghề tháng 04/2012

 

STT

Trình Độ

Chỉ số (%)

1

Lao động chưa qua đào tạo

40,47

2

Sơ cấp nghề

7,08

3

Công nhân kỹ thuật lành nghề

3,59

4

Trung cấp (CN-TCN)

24,18

5

Cao đẳng (CN-CĐN)

11,46

6

Đại học

12,90

7

Trên đại học

0,32

 

   Việc tuyển dụng lao động chặt chẽ, chọn lọc trình độ nghề và kỹ năng đặc biệt nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao, thể hiện tình trạng kinh tế - xã hội còn tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ không mở rộng quy mô hoặc thu hẹp sản xuất – kinh doanh, để đảm bảo sự ổn định kể cả ổn định về nhân lực cần thiết của doanh nghiệp trong năm 2012.

 

Chỉ số nhu cầu nhân lực về trình độ

 

 

Chỉ số nguồn cung về trình độ

 

 

II. XU HƯỚNG CUNG - CẦU NHÂN LỰC THÁNG 5 NĂM 2012:

 

   Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Quý II/2012, đã nhận định tình hình phát triển sản xuất – kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, Thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm kiềm chế làm phát, cải thiện nền kinh tế và đã đạt nhiều mặt tích cực. Tuy vậy, trong tháng 5/2012 các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công - sản xuất, chế biến tiếp tục tồn tại nhiều khó khăn. Vì vậy, thị trường lao động thành phố chưa thật sự ổn định và vẫn phát sinh nhiều nghịch lý, tồn tại mất cân đối giữa nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm.

 

   Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tháng 5/2012 khoảng 24.000 lao động, chú trọng tuyển dụng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Cụ thểtrình độ chuyên môn Đại học trở lên khoảng 12%, cao đẳng, trung cấp khoảng 35%, công nhân kỹ thuật 5%, sơ cấp nghề và lao động phổ thông (48%), vẫn tập trung chủ yếu các ngành nghề Nhân viên kinh doanh – Marketing, Dịch vụ - Phục vụ, Công nghệ thông tin, Kế toán - Kiểm toán, Điện – Điện tử- Viễn thông, Cơ khí, Dệt may – Giày da...

 

   Về nguồn cung nhân lực có xu hướng tăng về nhu cầu tìm việc do một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường cần tìm việc làm; việc di chuyển lao động có khả năng vẫn tiếp tục diễn ra, tập trung một số ngành nghề như: Dệt may – Da giày, Xây dựng, Bán hàng, Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Nhân sự…

 

   Để nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng và ổn định nguồn nhân lực thành phố cần tiếp tục thực hiện các giải pháp của các cơ quan chính quyền, đoàn thể nhằmhỗ trợ, tăng cường gắn kết người lao động và người sử dụng lao động; các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng chế độ chính sách, quan tâm đãi ngộ để ổn định và phát triển lực lượng lao động. Đồng thời cần tăng cường quản lý lao động thất nghiệp, tổ chức có hiệu quả hoạt động thông tin thị trường lao động để hạn chế thấp nhất sự dịch chuyển lao động tạo mất cân đối thị trường lao động thành phố./.

 

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC



Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024724390

TRUY CẬP HÔM NAY: 9101

ĐANG ONLINE: 23