PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 07 NĂM 2012 VÀ NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC THÁNG 08 NĂM 2012 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
      
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 07 năm 2012
Số: 122/BC-TTDB&TTTTLĐ  

 

BÁO CÁO

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 07 NĂM 2012

VÀ NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC THÁNG 08 NĂM 2012

TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Trong tháng 07 năm 2012, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh đã khảo sát, cập nhật Cung – Cầu lao động từ các hoạt động sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp- việc làm, các tổ chức hoạt động giới thiệu việc làm và hệ thống thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp tại thành phố với tổng số 3.127 doanh nghiệp – 26.310 chỗ làm việc cần tuyển dụng, kể cả tuyển dụng lao động thay thế và thời vụ, đồng thời khảo sát 17.433 người có nhu cầu tìm việc làm.

 

I. CHỈ SỐ CUNG – CẦU NHÂN LỰC THÁNG 7 NĂM 2012:

 

 1. Nhu cầu nhân lực:          

 

   Chỉ số nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố tháng 7 so tháng 6 năm năm 2012 giảm 4,34%. Một số ngành nghề tuyển nhiều lao độngnhư Marketing -  Nhân viên Kinh doanh (22,86%), Dịch vụ và phục vụ (16,31%), Bán hàng (7,68%), Công nghệ thông tin (6,37%), Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng (5,32%), …

 

   Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong tháng 7 năm 2012 vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp chú trọng. Cụ thể Trên đại học – Đại học (17,83%), Cao đẳng (12,33%), Trung cấp (29,26%), Công nhân kỹ thuật – Sơ cấp nghề (6,63%), Lao động phổ thông (33,95%), tập trung vào một số ngành nghề như Marketing -  Nhân viên Kinh doanh, Bán hàng, Công nghệ thông tin, Kế toán – Kiểm toán, Tài chính – Ngân hàng, Điện - Điện tử, Cơ khí, Hóa chất , Viễn thông, Tư vấn – Bảo hiểm, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Quản lý điều hành, nhân sự…

 

Chỉ số cầu nhân lực 06 ngành nghề cao nhất tháng 7 năm 2012

 

 

Chỉ số trình độ nghề tháng 7 năm 2012

 

 

 

2.Nguồn cung nhân lực:

 

   Nguồn cung nhân lực tháng 7 năm 2012 có xu hướng tăng so tháng   6 năm 2012. Tháng 7, một lượng lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có nhu cầu tìm việc làm bổ sung vào nguồn cung một lượng lao động dồi dào và đa dạng hơn. Các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng lao động, nhưng đồng thời điều này cũng gây áp lực đối với nguồn cung là sinh viên – học sinh mới tốt nghiệp trong thời điểm các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự ổn định, phát triển sản xuất – kinh doanh. Việc tuyển chọn lao động, nhiều doanh nghiệp tiếp tục chú trọng về chất lượng, kỹ năng và kinh nghiệm, vì vậy nhiều sinh viên – học sinh gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm thích hợp.

 

   Những ngành nghề có chỉ số nguồn cung nhân lực cao nhất như Kế toán – kiểm toán, Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng, Marketing – nhân viên kinh doanh, Quản lý điều hành, Công nghệ thông tin, ...Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn không tìm được lao động như yêu cầu do sự nghịch lý cung – cầu về yêu cầu, trình độ và kỹ năng  vẫn tiếp tục diễn ra.

 

   Nhận định tổng quan thị trường lao động thành phố tháng 7 năm 2012 ổn định hơn, tình trạng dịch chuyển lao động giảm nhiều - còn khoảng 10%, có phần do nhiều doanh nghiệp không tuyển mới lao động, hạn chế nguồn tuyển lao động sơ cấp nghề và lao động phổ thông.

 

   Cùng với nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc điểm thị trường lao động trong quý III năm 2012 là nhiều doanh nghiệp tiến hành sắp xếp lại lực lượng lao động dẫn đến giảm việc làm rõ nét nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng, dịch vụ, công nghiệp, thương mại... Tuy chưa có những điều kiện thông tin đầy đủ để phân tích các hình thức sắp xếp lại lao động hiện nay, nhưng có thể nhận thấy các hình thức doanh nghiệp đang sắp xếp lại nhân sự như sau:

 

       - Hình thức phổ biến là sát nhập các bộ phận một lúc hoặc từng bước sát nhập (Tổ, phân xưởng, phòng, ban, xí nghiệp) từ đó thuyên chuyển, hạ cấp người quản lý, nhân viên làm việc năng suất, hiệu quả thấp được tinh giản sang bộ phận mới mà không tuyển thêm lao động mới (như bán hàng, tiếp thị, thu mua, dịch vụ quảng cáo sản phẩm, sản xuất mặt hàng mới...). Nếu  người quản lý, nhân viên đó không thấy phù hợp có thể xin thôi việc.

 

       - Giảm tiền lương đối với nhân viên hành chính có mức lương cao với lý do doanh nghiệp không đạt doanh số kinh doanh, nếu người lao động không đồng ý có thể xin thôi việc.

 

       - Điều chuyển nhân viên, người lao động sang đơn vị khác hoặc đơn vị mới thành lập. Nhiều trường hợp được điều chuyển không phù hợp nghiệp vụ chuyên môn hoặc địa bàn làm việc xa có thể phải xin thôi việc.

 

       - Không ký lại hợp đồng đối với người làm việc có thời hạn từ 1 đến 3 năm nếu năng lực làm việc, lao động hiệu quả không cao.

 

       - Cắt giảm có thương lượng chính sách trợ cấp thôi việc cao hơn quy định pháp luật đối với trường hợp cần giảm lao động (lớn tuổi, làm việc yếu kém, không phù hợp công việc).

 

Chỉ số cung nhân lực 06 ngành nghề tháng 7 năm 2012

 

 

Chỉ số trình độ nghề tháng 7 năm 2012

 

 

   Có thể nhận thấy thị trường lao động thành phố đang tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời với nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông nhưng không tuyển được lao động.

 

   Tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế tạo mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Điều quan tâm là khu vực kinh tế phi kết cấu chiếm tỷ lệ trên 40% và đang có xu hướng tăng với đa dạng ngành nghề, nhiều chỗ làm việc mới thu hút ngược lại khu vực kinh tế chính thức.

 

   Thực trạng thị trường lao động những năm gần đây tại thành phố luôn diễn biến tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động từ lao động phổ thông trong các ngành chế biến, sản xuất, xây dựng, dịch vụ… và lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh.

 

 II. NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC THÁNG 8 NĂM 2012:

 

   Xu hướng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tháng 8/2012 khoảng 21.000 chỗ làm việc trống; nhu cầu tuyển dụng nhiều sẽ tiếp tục lao động có tay nghề và trình độ với yêu cầu về kỹ năng, năng lực quản lý, chuyên môn kỹ thuật,… Cụ thểnhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn Đại học trở lên khoảng 19%, cao đẳng, trung cấp khoảng 41%, công nhân kỹ thuật – sơ cấp nghề 10%, lao động phổ thông (30%), chủ yếu các ngành nghề Marketing  - Bán hàng, Nhân viên kinh doanh , Công nghệ thông tin, Kế toán - Kiểm toán, Tư vấn - Bảo hiểm, Du lịch – Khách sạn, Chế biến thực phẩm, Xây dựng – Kiến trúc, Điện – Điện tử- Viễn thông, Cơ khí, Dệt may – Giày da...

 

   Tháng 8 và những tháng sắp tới một lượng lớn sinh viên, học sinh tiếp tục tốt nghiệp ra trường nguồn cung dồi dào, đa dạng, nhưng do tình hình kinh tế xã hội và sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa phát triển mạnh, xu hướng giảm việc làm còn tiếp tục vì vậy các áp lực về việc làm (cung – cầu) thị trường lao động tiếp tục chưa thực sự ổn định.

 

   Để khắc phục những hạn chế trên thì cần có một thời gian lâu dài và nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với doanh nghiệp điều cần thiết nên chú trọng xây dựng kế hoạch nhân lực trung hạn và dài hạn về cơ cấu ngành nghề, quy mô, chất lượng và thông tin về nhu cầu xã hội; xây dựng những chính sách về đào tạo, nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động, tiền lương, phúc lợi và khen thưởng để thu hút nhân lực phù hợp thực tế đời sống xã hội và giá trị sức lao động, đặc biệt đối với lực lượng lao động kỹ thuật, lao động phổ thông.

 

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC

 

 


Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024932816

TRUY CẬP HÔM NAY: 5596

ĐANG ONLINE: 14