PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ IV NĂM 2012 VÀ NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC QUÝ I NĂM 2013 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 240/BC-TTDBNL  TP.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 12 năm 2012

BÁO CÁO

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ IV NĂM 2012

VÀ NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC QUÝ I NĂM 2013

TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Tổng hợp số liệu khảo sát cung – cầu thị trường lao động thành phố từ 4.352 doanh nghiệp, 49.639 chỗ làm việc, và 37.552 lao động có nhu cầu tìm việc trong quý IV năm 2012. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh nhận định tình hình thị trường lao động trong quý IV năm 2012 và xu hướng nhu cầu nhân lực quý I năm 2013 như sau:

 

I. CHỈ SỐ CUNG – CẦU NHÂN LỰC  QUÝ IV NĂM 2012

 

 1.Nhu cầu nhân lực:

 

   Quý IV/2012 nhu cầu tuyển dụng tương đương với quý III/2012 và giảm 30% so với cùng kỳ năm 2011. Tháng 12/2012 nhu cầu nhân lực của thành phố cần 20.000 lao động, trong đó nhu cầu lao động thời vụ chiếm khoảng 50% phục vụ chủ yếu cho các hoạt động bán hàng, dịch vụ, nhà hàng, bảo hiểm, tư vấn, chăm sóc khách hàng …

 

   Nhu cầu lao động giảm ở các nhóm ngành Dệt may – giày da (2,45%) (giảm 43% so với quý III/2012), Quản lý nhân sự - hành chánh văn phòng (3,72%), Marketing- Nhân viên kinh doanh(18,33%), Dịch vụ phục vụ (19,36%)… Việc tái cấu trúc lại của các Ngân hàng trong năm 2012 đã ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tuyển dụng  ngành Tài chính – Ngân hàng ( giảm 66,29% so với quý III/2012).

 

Nhu cầu lao động các nhóm ngành nghề kỹ thuật như Cơ khí (1,07%), Điện tử - Viễn thông (2,73%), Xây dựng – kiến trúc cũng có xu hướng giảm (0,85% giảm 61,48% so với quý III/2012). Các nhóm ngành nghề Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Dược, Bán hàng tăng trong quý IV/2012.

 

Biểu đồ 1: So sánh 5 nhóm ngành có nhu cầu giảm trong quý IV/2012

 

Biểu đồ 2: So sánh nhân lực trình độ nghề trong quý IV/2012

 

   Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 60,22%, tăng 8,62% so với quý III năm 2012. Cụ thể trình độ lao động chưa qua đào tạo (33,16%) tập trung ở nhóm ngành Bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Dệt may giày da, Điện tử - Viễn thông….Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Cao đẳng (11,95%), Đại học (14,21%) và trên đại học là ( 1.60%).

 

 2.  Nguồn cung nhân lực

 

   Quý IV/2012 nguồn cung nhân lực có trình độ từ trung cấp tới đại học tập trung chủ chủ yếu ở các ngành nghề như: Xây dựng – Kiến trúc, Công nghệ thông tin, Marketing – Nhân viên kinh doanh, Quản lý điều hành, Kế toán -  Kiểm toán… Cụ thể nhân lực có trình độ Trên Đại học(47,81%), Cao đẳng(28,46%), Trung cấp (16,78%).

 

   Nhận định chung, thị trường lao động thành phố quý IV/2012 ổn định, mức độ dịch chuyển lao động không cao (20%). Các doanh nghiệp tập trung các hoạt động bán hàng, tiếp thị sản phẩm, các hoạt động dịch vụ và sản xuất chế biến thực phẩm, hàng dân dụng…, do đó nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ nhiều vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất – kinh doanh cuối năm vừa tạo nguồn nhân lực cho năm 2013 của mỗi doanh nghiệp.

 

Biểu đồ 3: So sánh trình độ cung nhân lực Quý III/2012 và quý IV/2012

 

Biểu đồ 4: 5 nhóm ngành có nguồn cung cao trong  Quý IV/2012

 

II. NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ I NĂM 2013

 

   Theo dự báo của các cơ quan, các chuyên gia kinh tế - xã hội năm 2013 tình hình kinh tế Việt Nam còn tiếp tục nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố HCM có 2.275 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản, 1.902 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh, trong 10 tháng 2012 có 19.698 doanh nghiệp làm thủ tục ngưng kinh doanh. Tuy nhiên chủ trương của Nhà nước, Chính phủ các chương trình kích cầu của UBND thành phố giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quý I/2013. Căn cứ định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2013; căn cứ thông tin nhu cầu tuyển dụng năm 2013 của các doanh nghiệp ước đoán nhu cầu tuyển dụng quý I/2013 cần 65.000 chỗ làm trống. Tháng 01: 20.000 lao động và 15.000 lao động thời vụ phục vụ tập trung sản xuất kinh doanh lễ, tết. Tháng 02: 15.000 lao động; tháng 3: 30.000 lao động. Tập trung các ngành nghề như: Dệt may - Giày da, Du lịch – Giải trí, Cơ khí, Công nghệ thông tin…. Riêng tháng 01/2013 nhu cầu lao động thời vụ tập trung nhiều với số lượng trên 20.000 người.

 

   Nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn nghề dự kiến trong quý I/2013 chiếm 43% lao động phổ thông, 35% nhu cầu lao động có trình độ Sơ cấp đến trung cấp, nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 22%. Tập trung tuyển dụng ở các nhóm ngành Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ, Du lịch – Giải trí. Các khu chế xuất khu công nghiệp quý I/2013 cũng sẽ tuyển dụng lao động chủ yếu ở các ngành Dệt may – Giày da, Chế biến lương thực -Thực phẩm. 

 

   Theo xu hướng chung, tháng 01/2013 nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ không tăng trong các ngành cần lao động sản xuất, công nghệ, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu các ngành Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ, Kinh doanh – Marketing, Sản xuất chế biến lương thực - Thực phẩm, Du lịch – Giải trí, Nhà hàng – Khách sạn, Y tế - Chăm sóc sức khỏe.

   Thực hiện Nghị định 103/2012 NĐ-CP của Chính phủ về việc tăng lương tối thiểu đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có tham gia sử dụng lao động từ ngày 1/1/2013 tăng từ 1,65 triệu đồng/tháng lên 2,35 triệu đồng/tháng (vùng I) và 2,1 triệu đồng/ tháng (vùng II) sẽ phần nào cải thiện hơn đời sống của người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động phổ thông.

   Tháng 02/2013, thời điểm này các doanh nghiệp tập trung chú trọng việc chăm lo tết cho người lao động, để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động sau tết nhất là người lao động phổ thông tại các ngành gia công Dệt, Da, May và các ngành chế biến. Nhận định chung lực lượng lao động thành phố sẽ ổn định, không gay gắt về thiếu hụt nghiêm trọng như các năm trước.

 

   Mức độ ổn định nhân lực của mỗi doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ chung về chính sách của Nhà nước, và thành phố; yếu tố quan trọng nhất là từ sự chăm lo, quan tâm tích cực của doanh nghiệp và nhận thức về việc làm của người lao động trong tình hình kinh tế - xã hội, đời sống và việc làm vẫn tiếp tục còn nhiều hạn chế, khó khăn năm 2013.

 

   Tháng 3/2013 nhu cầu nhân lực tập trung các ngành Dệt may – Giày gia, Đầu tư bất động sản, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Cơ khí, Dược – Công nghệ sinh học.

 

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC

 

 


Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723536

TRUY CẬP HÔM NAY: 8219

ĐANG ONLINE: 25