PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 8 VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 9 NĂM 2013 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
      
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 08 năm 2013
Số: 157/BC-TTDBNCNL  

 

BÁO CÁO

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 8 VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC
THÁNG 9 NĂM 2013 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 8 NĂM 2013.


Trong tháng 8/2013, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh khảo sát, cập nhật thông tin cung – cầu lao động từ các sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, các trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng với tổng số 1.446 doanh nghiệp – 16.821 chỗ làm việc trống, 5.538 người có nhu cầu tìm việc. Thông qua kết quả khảo sát, tình hình thị trường lao động thành phố tháng 8/2103 diễn biến như sau:


 1. Nhu cầu nhân lực tháng 8 năm 2013


   Tháng 8/2013 nhu cầu lao động trên địa bàn Tp.HCM tăng 5,60% so với tháng 7/2013. Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng 8/2013: Nhân viên kinh doanh – bán hàng (25,28%), Dịch vụ phục vụ - giúp việc nhà (19,11%), Công nghệ thông tin (8,12%), Dịch vụ thông tin – Chăm sóc khách hàng (8,34%), Dệt may – Giày da(5,39%), Marketing – Quan hệ công chúng (5,58%),...đồng thời trong tháng 8/2013, nhu cầu lao động phổ thông tăng nhiều ở một số nhóm : Dệt may – Giày da, kinh doanh – bán hàng, dịch vụ phục vụ - giúp việc nhà,...


   Các nhóm ngành không tăng nhu cầu tuyển dụng so tháng 7/2013 là: Kế toán – Kiểm toán, Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng, Kinh doanh tài sản - Bất động sản, Bưu chính - Viễn thông, Hành chính - Nhân sự…


   Nhu cầu nhân lực theo trình độ trong tháng 8/2013 cụ thể như sau: Lao động phổ thông (47,12%), Sơ cấp nghề (2,67%), Công nhân kỹ thuật lành nghề (3,10%), Trung cấp (20,09%), Cao đẳng (13%), Đại học  - Trên đại học (14,01%).

   Phân tích nhu cầu tuyển dụng của một số nhóm ngành nghề cho thấy:


      - Dệt may – Giày da: nhu cầu tuyển dụng tăng (45,82%) so với tháng 7/2013. Các vị trí tuyển dụng chủ yếu như: nhân viên phụ kho, thợ may,công nhân giặt ủi không đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm, tuy nhiên các vị trí tuyển dụng như: Nhân viên KCS, Quản lý kho, nhân viên may mẫu – cắt rập đòi hỏi trình độ cũng như kinh nghiệm từ 1 – 2 năm ở vị trí tương ứng. 


      - Tín dụng - Ngân hàng: Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu các vị trí như: Chuyên viên tài chính, nhân viên tín dụng, chăm sóc khách hàng… nhưng với mức độ cạnh tranh rất gay gắt và các yêu cầu cao về năng lực, kinh nghiệm. Đối với sinh viên mới ra trường yếu tố để được tuyển dụng là kỹ năng và ngoại ngữ.


      - Kỹ thuật công trình xây dựng: Thị trường bất động sản chưa khởi sắc dẫn đến tình trạng khó khăn của nhiều doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự trình độ cao, tái cấu trúc lại bộ máy nhân sự cho phù hợp, việc tuyển dụng nhân sự chủ yếu mang tính chất thời vụ, không ổn định. Nhu cầu tuyển dụng giảm gần một nửa so tháng 7/2013. Nhu cầu giảm nhiều ở các trình độ từ trung cấp trở lên và tăng nhu cầu lao động là công nhân kỹ thuật và thợ xây dựng.

   Tổng quan nhu cầu của thị trường lao động tháng 8/2013 có những đặc điểm như sau:


      - Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phần nhiều yêu cầu trình độ và kinh nghiệm từ 1 năm trở lên chiếm 70% trong tổng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong tháng 8/2013.


      - Về mức lương tuyển dụng; với những vị trí có kinh nghiệm làm việc doanh nghiệp đưa ra mức lương trung bình từ 5 triệu đồng trở lên chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu tuyển dụng.


      - Nhu cầu tuyển dụng lao động nam (52,51%) chiếm tỷ lệ cao hơn so nhu cầu tuyển dụng lao động nữ (47,49%). Đặc biệt nhóm ngành nghề khối kỹ thuật có nhu cầu tuyển lao động chủ yếu là nam.

 

Biểu đồ 1: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo giới tính

 

      - Nhu cầu tuyển dụng nhân lực phân theo loại hình doanh nghiệp cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân lực chủ yếu trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, cụ thể Công ty TNHH có nhu cầu tuyển dụng chiếm (42%), Công ty cổ phần có nhu cầu tuyển dụng chiếm (29%), nhu cầu tuyển dụng của Doanh nghiệp tư nhân chiếm (15%), trong tổng nhu cầu tuyển dụng .
 

 

Biểu đồ 2: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo loại hình doanh nghiệp

 

 

Biểu đồ 3: So sánh nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ tháng 7/2013 và tháng 8/2013

 

Biểu đồ 4: So sánh nhu cầu tuyển dụng lao động theo ngành nghề tháng 7/2013 và tháng 8/2013

 

 2. Nhu cầu tìm việc tháng 8 năm 2013


   Nhu cầu tìm việc tháng 8/2013 giảm 2,31% so với tháng 7/2013, các nhóm ngành nghề giảm như: Kế toán – kiểm toán (21,13%), Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng(4,84%), nhân viên kinh doanh – bán hàng(3,32%), Hành chính văn phòng(2,17%)...


   Một số nhóm ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao trong tháng 8/2013 như: Kế toán – kiểm toán, Công nghệ thông tin, Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thực phẩm, Hóa chất - Hóa dược - Mỹ phẩm, Cơ khí - Tự động hóa, Điện tử - Cơ điện tử, Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng, Hành chính văn phòng, Công nghệ sinh học…


   Nhu cầu tìm việc của lao động có trình độ, tay nghề tập trung cao ở các nhóm ngành như: Cơ khí tự động hóa, Công nghệ thông tin, Điện tử- Cơ điện tử...Trình độ nguồn cung nhân lực tháng 8/2013 cụ thể như sau: Sơ cấp – Công nhân kỹ thuật lành nghề (2,53%), Trung cấp(12,21%), Cao đẳng (30,23%), Đại học – Trên đại học(54,35%).
 

Biểu đồ 5: So sánh nhu cầu tìm việc theo ngành nghề tháng 7/2013 và tháng 8/2013.

 

 3. So sánh cung - cầu tháng 8/2013


   Thị trường lao động tháng 8/2013 phát triển tương đối ổn định. Tuy vậy, nghịch lý cung cầu vẫn diễn ra ở một số ngành nghề. Làm việc trái ngành trái nghề vẫn diễn ra đối với sinh viên mới tốt nghiệp và lao động thiếu kinh nghiệm kỹ năng trong lĩnh vực được đào tạo.


   Ở một số ngành nghề như Kế toán – kiểm toán, Công nghệ thông tin, Quản lý điều hành, Xuất nhập khẩu, Ngân hàng, Xây dựng .... các nhà tuyển dụng vẫn ưu tiên tuyển dụng nhân lực có trình độ, kinh nghiệm kỹ năng. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cắt giảm nhân sự, giảm lương, tái cấu trúc bộ máy đặc biệt trong 2 lĩnh vực ngân hàng và xây dựng.


II. XU HƯỚNG NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 9 NĂM 2013.


   Thị trường lao động tháng 9/2013 dự báo xu hướng ổn định. Dự kiến trong tháng 9/2013 cần khoảng 25.000 lao động, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 35%, chủ yếu thuộc các nhóm ngành nghề : dệt may – da giày, dịch vụ phục vụ (giúp việc nhà, bảo vệ,…), nhân viên bán hàng.


   Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ tháng 9/2013 có cơ cấu như sau: trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề 20%, trung cấp 20%, cao đẳng – đại học – trên đại học 25%. Tập trung một số nhóm ngành nghề như : Nhân viên kinh doanh, Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng, Công nghệ thông tin, Quản lý kiểm định chất lượng …


   Thị trường bán lẻ những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng, sự phục hồi trở lại của một số doanh nghiệp ngành sản xuất – chế biến, việc hoàn thành lượng đơn đặt hàng những tháng cuối năm là nguyên nhân của việc tăng nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 9/2013 và những tháng cuối năm.


   Các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tài chính – ngân hàng sẽ tiếp tục tái cấu trúc nhân sự trong tháng 9/2013 và những tháng cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp trong các ngành này vẫn sẽ tăng nhưng với yêu cầu cao và gay gắt hơn. Các doanh nghiệp vẫn chú trọng tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng./.
  

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC

 

 


Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024714259

TRUY CẬP HÔM NAY: 258

ĐANG ONLINE: 104