Nhu cầu nhân lực- chọn nghề và việc làm tại TP HCM giai đoạn 2012-2015 hướng tới 2020 Phần 2


Chỉ số nhu cầu về trình độ lao động giai đoạn 2011-2015 về nhu cầu về lao động đã qua đào tạo được dự báo khá cao, chiếm đến 65% nhu cầu lao động tòan thành phố. Điều này cho thấy hiện nay và những năm tới, thị trường lao động TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới, thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt là nhu cầu việc làm chất lượng cao.

 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo, ba năm trở lại đây, số sinh viên theo học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm khoảng 40% tổng số sinh viên. Cả nước cũng có tới 60% các trường đại học có đào tạo các ngành thuộc khối tài chính, kinh tế, ngân hàng.

 

Theo quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2020, trong giai đoạn 2011-2015 thành phố ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 09 ngành dịch vụ, 04 ngành công nghiệp chủ lực (Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, Điện tử và Công nghệ thông tin, Chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, Hóa chất – Hóa dược và mỹ phẩm).

 

Tuy nhiên, có một nghịch lý là TPHCM đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực có trình độ cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển.

 

Năm nay, thí sinh tiếp tục đổ dồn vào khối ngành kinh tế. Nhiều trường THPT chỉ có vài thí sinh đăng ký thi khối C vào các ngành xã hội; khối ngành kỹ thuật thí sinh cũng không đáp ứng so nhu cầu.

 

Mặt khác, học sinh chọn ngành học ngày càng mang tính thực tế. Đã học thì phải có việc làm mà một trong những lĩnh vực dễ có việc làm nhất là kinh tế, tuy nhiên sự chênh lệch giữa trình độ nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu việc làm vẫn diễn ra, đáng chú ý là một số nhóm ngành như: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Marketing … sinh viên mới tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng có nhu cầu việc làm cao hơn so nhu cầu tuyển dụng, các doanh nghiệp yêu cầu nhân lực có trình độ chất lượng cao, kinh nghiệm, kỹ năng, trong khi nhiều sinh viên vừa mới tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng chưa đáp ứng ngay được các yêu cầu này. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng cần nhiều lao động trình độ Trung cấp, Công nhân kỹ thuật lành nghề, Sơ cấp nghề thì nguồn nhân lực còn thiếu hụt so với nhu cầu tuyển dụng.Vì vậy thục tế thị trường lao động nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh tế đã phải làm trái ngành.

 

Một nghịch lý hiện nay cho thấy là các ngành xã hội và kỹ thuật được thí sinh đăng ký rất ít so với ngành kinh tế, trong khi đây là những ngành đang “khát” nguồn nhân lực. Theo thống kê của các ngành nghiên cứu nhân lực, 70% học sinh bước vào đời chưa qua hướng nghiệp nên chọn nghề, chọn trường theo cảm tính. vì vậy chỉ có 30% sinh viên ra trường có việc làm; 80% không có việc làm trong 3 tháng; 50% thất nghiệp trong 6 tháng hoặc làm trái nghề; 30% thất nghiệp trong một năm.

 

Hơn 1/3 học sinh chấp nhận “chờ” kỳ thi đại học, cao đẳng năm sau chứ không học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Mặt khác, hướng nghiệp chưa tốt dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt đại học đã chọn “đại” một ngành, một trường để học. Có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học; có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.

 

Thực tế thị trường lao động có những đặc điểm cần quan tâm là:

 

- Thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời với nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông không tuyển được lao động.

 

Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80% sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp nghề tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm. Trong tổng số tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển, 50% thật sự ổn định.đặc biệt kỹ năng mềm là yêu cầu nhiều sinh viên, học sinh chưa đáp ứng được.

 

- Nguyên nhân thất nghiệp xuất phát từ tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên có thể thấy hai lý do cơ bản gây ra thất nghiệp:

 

+ Có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp ngành nghề đã được đào tạo.

 

+ Số lượng chỗ làm việc nhiều nhưng nhiều người tìm việc làm không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó.

 

Trường hợp thứ nhất tồn tại về “thiếu hụt chỗ làm việc”, trường hợp thứ hai về “không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực”. Như vậy có thể nhận định nguyên nhân thất nghiệp cốt lỏi là vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế kinh tế – xã hội.

 

Vấn đề việc làm là điều quan tâm hàng đầu của thanh niên hiện nay, nhưng khi tham gia vào thị trường lao động, thanh niên thật sự gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, nhiều người chưa biết cách tìm hiểu việc làm phù hợp với năng lực, chưa biết cách làm bộ hồ sơ xin việc, tham gia phỏng vấn tuyển dụng.

 

Chính vì vậy, để giúp học sinh có điều kiện xác định nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội; từ đó đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương, đất nước thì công tác hướng nghiệp phải căn cơ, hiệu quả.

 

Đối với thị trường thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề làm thế nào để được các doanh nghiệp tuyển dụng theo nghề đã học và làm việc có hiệu quả, phát triển nghề nghiệp là vấn đề hiện nay và những năm tới được người lao động nhất là sinh viên học sinh và người sử dụng lao động hết sức quan tâm. Muốn làm việc được hiệu quả thì một trong những yếu tố tạo nên đó là kỹ năng nghề, chất lượng làm việc của người lao động được nâng cao.

 

Trên thực tế, để phát triển nghề nghiệp, người thanh niên phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

 

Có thể hiểu đơn giản, kỹ năng nghề bao gồm 2 nhóm, kỹ năng phần cứng và kỹ năng phần mềm.

 

Kỹ năng cứng (bằng cấp – kinh nghiệm…) liệt kê trong CV có thể đem đến cho bạn một buổi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên, kỹ năng mềm là một yếu tố chiến lược để bạn được cái gật đầu tiếp nhận của nhà tuyển dụng, cũng như duy trì và thăng tiến trong bất cứ ngành nghề nào.

 

Kỹ năng mềm là một thuật ngữ xã hội học gắn liền với chỉ số trí tuệ cảm xúc của mỗi người, là các đặc trưng cá nhân nâng cao các khả năng: Giao tiếp, năng suất làm việc và triển vọng nghề nghiệp. Tách biệt với kỹ năng cứng (trình độ chuyên môn cho mỗi công việc, ngành nghề nhất định), kỹ năng mềm được rộng rãi biết đến và áp dụng cho mọi người. Trong một số trường hợp, để kỹ năng mềm dễ hiểu và gần gũi hơn nữa với tất cả đối tượng, người ta chia khái niệm này thành những mảng nhỏ hơn: Kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, làm việc đội nhóm…

 

Phân tích kết quả khảo sát sinh viên từ các nguồn thông tin của đại học Quốc Gia TP.HCM, đại học sư phạm kỷ thuật TP.HCM, đại học Nông Lâm TP.HCM và khảo sát cũa trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao độngTP.HCM với số lượng trên 25000 sinh viên trong năm 2010-2011, cho thấy những vấn đề về kỷ năng nghề (kỹ năng mềm), được SVHS nhận thức đối với thị trường lao động có những điều chưa rõ nét.

 

- Để được tuyển dụng và làm việc có hiệu quả, cần trang bị những gì : 54% SVHS cho là nhà doanh nghiệp cần kiến thức chuyên môn, 29% cần kiến thức ngoại ngữ -Tin học; 10% cần kỹ năng mềm và 07% cần kỹ năng thực hành.

 

- Kỹ năng mềm nào cần thiết nhất để tham gia thị trường lao động: 53% SVHS cho là cần kỹ năng giao tiếp, 26% cần ý thức tổ chức kỹ luật, 12% cần kỹ năng trình bày-truyền đạt-thông tin và 9% cần kỹ năng làm việc nhóm.

 

- SVHS có nên tự trang bị kỹ năng mềm hay không: 89% cho là cần thiết và 11% không cần thiết.

 

- SVHS trang bị kỹ năng mềm bằng cách nào: 4% cho biết tham gia Đoàn-Hội, 6% tham gia học ngoại khóa, 18% đi làm thêm, 29% rèn luyện qua các khóa học-tài liệu và 43% không có ý kiến (điều này có mâu thuẫn với 89% khi khảo sát trước đó, đã cho là cần thiết trang bị kỹ năng mềm)

 

Theo nhiều doanh nghiệp, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều; nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo – đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển. Mặc dù không nhiều các nhà tuyển dụng đòi hỏi thẳng kỹ năng mềm của ứng viên trong các thông báo tuyển dụng của mình, đây thực sự là những gì họ đang tìm kiếm khi tiếp xúc cũng như tiếp nhận ứng viên – nhất là khi tìm người cho những vị trí cao cấp, quan trọng trong đơn vị.

 

Thực tế thị trường lao động đã minh chứng, khi người thanh niên chính thức bước vào thị trường lao động, trình độ và cấp bậc học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, hay Sơ cấp chỉ là phần cơ bản của nghề, điều cốt lõi là mỗi thanh niên phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão làm việc và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

 

Trần Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm

Trung tâm Phát triển Hướng nghiệp TP.HCM

 

Nguồn: http://www.softskill.edu.vn/newsdetails.aspx?id=267&newsid=8779

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024865209

TRUY CẬP HÔM NAY: 3371

ĐANG ONLINE: 21