PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ III/2013 VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ IV/2013 TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 180/BC-TTDBNL  TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 09 năm 2013

 

BÁO CÁO
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ III/2013 VÀ NHU CẦU
NHÂN LỰC QUÝ IV/2013 TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH


I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ III NĂM 2013.


Trong quý III/2013, trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM thực hiện khảo sát 4.109 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động thường xuyên với tổng số 47.856 chỗ làm trống và 21.250 người lao động có nhu cầu tìm việc. Từ kết quả khảo sát, tổng hợp phân tích Cung – cầu thị trường lao động trên địa bàn thành phố quý III năm 2013 diễn biến như sau:


 1. Nhu cầu nhân lực quý III năm 2013.


   Quý III nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, tăng 11,40% so với quý II/2013, thể hiện sự phát triển ổn định của thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng đều các trình độ chuyên môn kỹ thuật và nhiều ngành nghề như: Quản lý điều hành, Nhân viên kinh doanh – bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Dịch vụ tư vấn – chăm sóc khách hàng, Marketing – Quan hệ công chúng, Truyền thông - Quảng cáo - Thiết kế đồ họa Công nghệ thông tin, Kinh doanh tài sản - Bất động sản, Vận tải kho bãi, Điện - Điện lạnh - Điện công nghiệp, …
 

Biểu đồ 1: So sánh nhu cầu nhân lực quý I, II,III trong năm 2012-2013

 

   Trong quý III/2013 nhu cầu tuyển dụng lao động thường xuyên tập trung nhiều ở các nhóm ngành Nhân viên kinh doanh - Bán hàng (27,57%), Dịch vụ - phục vụ (15,34%), Dịch vụ thông tin – tư vấn khách hàng (8,17%), Công nghệ thông tin (7,15%), Marketing – Quan hệ công chúng (4,85%), Dệt may – Giày da (4,52%)…


   Nhu cầu lao động bán thời gian khoảng 20.000 chỗ làm việc tập trung một số ngành nghề như: Bán hàng, dịch vụ cho thuê lao động (tiếp thị, công nhân chế biến, đóng gói, vệ sinh, bốc xếp...), phục vụ nhà hàng- khách sạn, bảo vệ, giúp việc gia đình...
 

Biểu đồ 2: 6 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý III/2013.


   Nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ nghề chuyên môn được thể  hiện cụ thể trong quý III/2013  như sau:
    + Lao động chưa qua đào tạo (39,28%) tăng so với nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông quý II/2013, chủ yếu lực lượng lao động thời vụ, bán thời gian tập trung ở nhóm ngành Kinh doanh – bán hàng, Dịch vụ - phục vụ...
     + Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề (8,16%): tuyển dụng tập trung ở nhóm ngành: Vận tải, Dệt may – Da giày, Cơ khí, Điện – Điện công nghiệp, Dịch vụ - Phục vụ...
     + Trung cấp (22,97%), Cao đẳng(13,73%), Đại học (15,17%): chủ yếu tuyển dụng ở các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Truyền thông – Quảng cáo – Thiết kế đồ họa, Marketing – Quan hệ công chúng, Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng, Nhân viên kinh doanh - Bán hàng, Giáo dục - Đào tạo - Thư viện, Quản lý điều hành, Kế toán - Kiểm toán, Bưu chính - Viễn thông ....
 

Biểu đồ 3: So sánh nhu cầu tuyển dụng theo trình độ trong quý III/2013.


   Tổng quan nhu cầu của thị trường lao động quý III/2013 có những đặc điểm như sau:


     - 41,07% nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn trung cấp, cao đẳng, đại học của các doanh nghiệp là sinh viên mới ra trường. Cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp đối với nguồn lao động có trình độ chuyên môn đã qua đào tạo mới tốt nghiệp năm 2013. Là điều kiện cho thấy sinh viên mới ra trường có nhiều cơ hội tìm việc làm nếu có năng lực và kỹ năng nghề đảm bảo số lượng và chất lượng nhu cầu chỗ làm việc.


Bảng 1: Thống kê nhu cầu tuyển dụng theo kinh nghiệm quý III/2013
 lao động có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên

 

 

Kinh nghiệm Tỷ lệ (%)
Không có KN 41,07
1 Năm 35,44
2 - 5 Năm 21,49
Trên 5 Năm 2,00

 

     - Về mức lương tuyển dụng; bình quân của các ngành nghề thu hút nhiều lao động có trình độ nghề trung cấp, sơ cấp, cao đẳng, đại học đối với lao động chưa có kinh nghiệm mức lương tuyển dụng chủ yếu của doanh nghiệp khoảng từ 04 – 06 triệu đồng/tháng, những vị trí có kinh nghiệm dưới 5 năm làm việc doanh nghiệp đưa ra mức lương trung bình từ 05 – 10 triệu đồng/tháng và trên 5 năm kinh nghiệm mức lương tuyển dụng từ 10 triệu đồng/tháng trở lên. Đối với lao động phổ thông, sơ cấp nghề mức lương khởi điểm từ 03-04 triệu đồng/tháng.


Bảng 2: Thống kê mức lương tuyển dụng của doanh nghiệp  

 

Mức lương Kinh nghiệm
Không có KN (%) 1 năm (%) 2-5 năm (%) Trên 5 năm (%)
Dưới 3 triệu 4,27 2,18 1,03 3,54
Từ 3 - dưới 6 triệu 76,46 75,52 46,51 2,02
Từ 6 - dưới 10 triệu 13,45 16,56 26,49 10,10
Trên 10 triệu 5,82 5,73 25,98 84,34

 

     - Thị trường lao động quý III/2013 tăng so 2 quý đầu năm 2013 và có xu hướng phát triển ổn định trong quý IV/2013 và năm 2014. Tình trạng thay đổi chỗ làm việc của lao động không diễn ra ồ ạt như cùng kỳ những năm vừa qua (chỉ ở mức dao động dưới 15%, so với cùng kỳ năm 2012 trên 20% và năm 2011 trên 30%). Quý III/2013 nhu cầu nhân lực những nhóm ngành nghề như Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Marketing, Truyền thông - Quảng cáo, Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng, Dịch vụ công nghệ thông tin, Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn tăng trên 10%, cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, dịch vụ, tiếp thị sản phẩm trong những tháng cuối năm.


Một số ngành nghề như Tài chính – Ngân hàng, Kinh doanh bất động sản, Kế toán, Bưu chính viễn thông, Xây dựng…, doanh nghiệp tiếp tục việc tái cấu trúc bộ máy nhân sự và xu hướng tuyển dụng với yêu cầu gay gắt hơn khiến nhu cầu tuyển dụng giảm. Trên 60% sinh viên thuộc các nhóm ngành này ra trường khó tìm được việc làm và làm trái ngành, trái nghề.


 2. Nhu cầu tìm việc quý III/2013.


   Nhu cầu tìm việc làm quý III/2013 tăng 11,89% so với quý II/2013, lý do chính là nguồn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường tham gia thị trường lao động bổ sung vào nguồn cung lực lượng lao động khá lớn. Nhu cầu tìm việc là sinh viên mới ra trường chiếm 60% tổng nhu cầu tìm việc, tập trung nhiều ở các nhóm ngành như: Kế toán – kiểm toán, Nhân viên kinh doanh – bán hàng, Hành chính văn phòng, Công nghệ thông tin, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Tài chính – Ngân hàng.


   Nhu cầu tìm việc của nhân lực nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng có xu hướng giảm trong quý III/2013, thay vào đó là sự gia tăng nhu cầu tìm việc làm trong nghề Kế toán, Nhân viên kinh doanh, Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng… Điều này cho thấy nhân lực ngành Ngân hàng, đặc biệt là nhiều sinh viên đang cố gắng tìm cho mình một công việc trái ngành nghề đã được đào tạo để chờ đợi một cơ hội tốt hơn trong thời gian tới.
 

Biểu đồ 4: 6 nhóm ngành có nhu cầu tìm việc cao nhất trong quý III/2013.


   Nguồn cung lao động có trình độ  Đại học chiếm 47,47%:  nguồn cung chủ yếu ở nhóm ngành Kế toán – Kiểm toán, Kỹ thuật – công trình xây dựng; Cao đẳng (30,05%); Sơ cấp nghề, CNKT lành nghề, Trung cấp chiếm 17,51%. Có thể nhận định cơ cấu nhu cầu tìm việc làm, cứ 10 người có 05 người có trình độ Đại học, 03 người có trình độ Cao đẳng và 02 người có trình độ trung cấp, CNKT và Sơ cấp.
 

Biểu đồ 5: So sánh trình độ nguồn cung nhân lực trong quý III/2013.


 3. So sánh cung cầu quý III/2013


   Các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc, lượng hàng tồn kho giảm dần, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Thị trường lao động ổn định, tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có năng lực, kỹ năng, có kinh nghiệm trong khi nhiều lao động đặc biệt là sinh viên mới ra trường không tìm được việc làm. Nghịch lý cung – cầu trong thị trường lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục diễn ra.


   Có sự phân phối không đồng đều giữa các nhóm ngành kinh tế và nhóm ngành kỹ thuật. Sinh viên mới tốt nghiệp trong nhóm ngành kinh tế như kế toán – kiểm toán, tài chính ngân hàng vẫn khó khăn trong việc tìm việc. 


   Phân tích nhu cầu tuyển dụng của một số nhóm ngành nghề cho thấy:


     - Công nghệ thông tin: nhu cầu tuyển dụng tăng 32,44% so quý II/2012, 30% nhu cầu tuyển dụng là trình độ đại học ở các nghề như: chuyên viên lập trình phần mềm, trưởng nhóm, tester, web developer… nhu cầu tìm việc của lao động ngành nghề này cũng tăng trong quý III/2013 và nhưng vẫn đáp ứng được so nhu cầu tuyển dụng ở cả số lượng và chất lượng.


     - Tín dụng - Ngân hàng, Kỹ thuật công trình xây dựng, Kế toán: Nhu cầu tuyển dụng quý III/2013 giảm so quý II/2013, trong khi nhu cầu tìm việc của những nhóm ngành nghề này rất nhiều, đặc biệt nghề Kế toán có nhu cầu tìm việc tăng cao nhiều lần so nhu cầu tuyển dụng. Cho thấy sự khó khăn trong tìm việc làm của lao động và quá trình sắp xếp lại nhân sự những nhóm ngành nghề này vẫn đang tiếp tục tại nhiều doanh nghiệp, ngân hàng.


     - Dịch vụ phục vụ, Dịch vụ tư vấn, bán hàng, Nhà hàng – Khách sạn, Du lịch: Có nhu cầu tăng cao trong quý III/2013 và những tháng cuối năm khi nhu cầu mua sắm cho tiêu dùng tăng cao. Những ngành nghề này có xu hướng thu hút nhiều sinh viên chưa có việc làm phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo.


II. XU HƯỚNG NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ IV NĂM 2013.


   Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc; tình hình tuyển dụng nhân lực quý III/2013 và 06 tháng đầu năm 2013, cho thấy xu hướng phát triển ổn định của thị trường lao động quý IV/2013, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp sẽ tạo nhiều việc làm cho thị trường lao động.


   Dự báo quý IV/2013 nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trên địa bàn thành phố có khoảng 60.000 chỗ làm việc trống (tháng 10: 15.000; tháng 11: 20.000; tháng 12: 25.000) và 30.000 nhu cầu lao động thời vụ. Cơ cấu nhu cầu nhân lực về trình độ chuyên môn: Lao động phổ thông, sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề 52%, trình độ trung cấp 23%,  trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học 25%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở một số ngành như: Marketing – Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Công nghệ thực phẩm, Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn, Kho bãi – Vận tải – Xuất nhập khẩu, Công nghệ thông tin, Cơ khí, Điện tử…Trong tổng số nhu cầu, tại các khu chế xuất – công nghiệp thành phố có nhu cầu tuyển dụng 10.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành như: Dệt may – Giày da, Cơ khí, Công nghệ thực phẩm, Nhựa – Bao bì, Điện tử…


   Thị trường lao động Quý IV/2013, nhu cầu tuyển lao động thời vụ tập trung các nhóm ngành nghề như: Bán hàng, Phục vụ - dịch vụ, May mặc – Da giày, Xây dựng, Du lịch - Nhà hàng – Khách sạn…
 

Biểu đồ 6 : Dự báo nhu cầu nhân lực quý IV -  2013

 

Biểu đồ 7 : Dự báo nhu cầu trình độ nhân lực quý IV -  2013


Dự kiến nhu cầu nhân lực 10 nhóm ngành nghề thu hút nhiều lao động
trong quý IV/2013

 

STT Ngành nghề Chỉ số (%)
1 Nhân viên kinh doanh - Bán hàng 26.48
2 Dịch vụ phục vụ (giúp việc nhà, bảo vệ...) 14.08
3 Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng 6.79
4 Công nghệ thông tin 6.62
5 Dệt may - Giày da 4.78
6 Marketing - Quan hệ công chúng 5.25
7 Cơ khí - Tự động hóa 3.5
8 Kế toán - Tài chính 4.05
9 Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng 2.05
10 Điện - Điện lạnh - Điện công nghiệp 2.06


III. KIẾN NGHỊ CÁC BIỆN PHÁP TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG NHẰM CÂN ĐỐI CUNG – CẦU THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG.


  - Tăng cường  quy mô  hoạt động và chất lượng cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ làm việc trống trong các doanh nghiệp, nhu cầu người tìm việc, khả năng bố trí giới thiệu việc làm trên thị trường lao động thông qua các Trung tâm Giới thiệu việc làm, các trường - cơ sở đào tạo, các Đoàn thể, các cơ quan thông tin truyền thông...


  - Tăng cường hoạt động và mở rộng quy mô kết nối giữa người lao động, sinh viên với doanh nghiệp; giữa hệ thống đào tạo với hệ thống các doanh nghiệp thông qua các hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động và các hoạt động dịch vụ việc làm, sàn giao dịch - ngày hội việc làm với mục đích giúp người lao động, sinh viên tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp; và qua đó cũng giúp cho các trường nâng cao hiệu quả đào tạo sinh viên, học viên những kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần thiết, tuyển dụng sử dụng nguồn nhân lực.


  - Duy trì hiệu quả công tác thống kê cập nhật tình trạng lao động thất nghiệp, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc trên địa bàn thành phố và các quận, huyện.


  - Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh  luôn  chú trọng cải thiện tiền lương, tiền thưởng, quan tâm thu nhập - đời sống của người lao động nhất là thời điểm Tết Dương lịch và Tết cổ truyền năm 2014.


  - Nâng cao hiệu quả tổ chức hướng nghiệp cho học sinh THPT định hướng ngành nghề, nghề nghiệp phù hợp điều kiện phát triển thị trường lao động năm 2014 và các năm sắp tới.


  - Tổ chức khảo sát các doanh nghiêp về nhu cầu  tuyển dụng nhân lực năm 2014 và 2014 đến 2020, dự báo xu hướng nhu cầu lao động của từng lĩnh vực ngành nghề về số lượng và chất lượng về nhu cầu đào tạo nghề ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với nhu cầu xã hội và các doanh nghiệp, góp phần điều chỉnh sự mất cân đối cung - cầu lao động, hạn chế việc đào tạo tự phát không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thừa thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp./.
 

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC

 

 


Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024866922

TRUY CẬP HÔM NAY: 267

ĐANG ONLINE: 15