PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2013 VÀ DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2014 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
       
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 198/BC-TTDBNL  TP.Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 09 năm 2014

 

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2013
VÀ DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2014
TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


PHẦN I
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ NĂM 2013


Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh trong năm 2013 thường xuyên thực hiện khảo sát, cập nhật cung – cầu thị trường lao động trên địa bàn thành phố, tiến hành thu thập thông tin tại 29 sàn giao dịch, ngày hội việc làm; 65 đợt hướng nghiệp tại các Trường trung học phổ thông; nhu cầu tìm việc – tuyển dụng tại các Trung tâm giới thiệu việc làm, các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, trường Nghề; các kênh thông tin của doanh nghiệp về tuyển dụng lao động. Từ đó, Trung tâm đã tổng hợp nhu cầu nhân lực của 17.677 doanh nghiệp, với 232.398 chỗ làm việc (trong đó 105.000 chỗ làm việc mới, khoảng 40.000 nhu cầu lao động thời vụ) và 28.457 người có nhu cầu học nghề, tìm việc làm, (bao gồm 13.899 học sinh THPT; 14.558 sinh viên và người lao động). Đồng thời, vào tháng 11/2013 Trung tâm đã khảo sát trực tiếp tại 2.576 doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2014.


Với kết quả tổng hợp cơ sở dữ liệu. Nhận định, phân tích tổng quan về thị trường lao động thành phố năm 2013 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2014 tại thành phố như sau:


I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ


  1. Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố tại phiên họp tháng 11/2013, tình hình Kinh tế – Văn hóa – Xã hội thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng chuyển biến tích cực, GDP thành phố năm 2013 ước đạt 9,5%, tuy vậy vẫn tồn tại nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp tiếp tục giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, thị trường chứng khoán, bất động sản còn trì trệ, sức cầu thị trường yếu, hàng tồn kho lớn, nợ xấu còn cao… Trong năm 2013, thị trường lao động thành phố với đặc điểm nổi bật sự tái cấu trúc bộ máy nhân sự của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng giảm việc làm nhiều lao động có trình độ chuyên môn. Tình trạng nhảy việc, dịch chuyển lao động giảm, mức bình quân biến động dịch chuyển lao động dưới 15% thấp hơn so năm 2011- 2012 (30% – 20%).


     Số lượng chỗ làm việc năm 2013 của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố so với năm 2012 giảm 14,26% chủ yếu trong các ngành nghề như: Dệt may – Da giày, Chế biến thực phẩm, Cơ khí , Điện – Điện lạnh, Marketing –  Nhân viên Kinh doanh, Điện – Điện tử, Xây dựng – Kiến trúc, Quản lý điều hành, Nhân sự, Ô tô – Xe máy, Kế toán, Dầu khí, Tài chính – Ngân hàng… Đa số các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao, tuy nhiên số lượng người lao động có chuyên môn giỏi đáp ứng yêu cầu tuyển dụng chỉ khoảng 30%, đặc biệt tại các nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng – Thương mại - Kinh doanh xuất nhập khẩu, Bưu chính viễn thông.


     Số lượng chỗ làm việc khu vực kinh tế phi chính quy và việc làm bán thời gian tăng khoảng 15% so năm 2012, vì vậy thị trường lao động thành phố luôn thể hiện sự đa dạng về việc làm theo các thành phần kinh tế và khu vực kinh tế với tổng số việc làm thu hút trên 265.000 người đạt chỉ tiêu chương trình việc làm thành phố đề ra năm 2013.


  2. Đặc điểm thị trường lao động tại thành phố Hồ Chí Minh 2013 như sau:


    2.1 Thị trường lao động thành phố trong 06 tháng đầu năm 2013 có nhiều khởi sắc so cuối năm 2012, nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, sản xuất công nghiệp phục hồi, tình hình tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra mạnh đặc biệt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh – dịch vụ, dẫn đến thị trường lao động thành phố chưa thật sự ổn định, tồn tại mất cân đối giữa nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Nhu cầu nhân lực trong 06 tháng đầu năm 2013 giảm 4,93% so với 06 tháng đầu năm 2012 (135.000/142.000 nhu cầu tuyển dụng); chỉ số cầu nhân lực giảm 25,45% so cùng kỳ năm 2012 ở các nhóm ngành nghề sử dụng nhiều lao động như: Dệt may – Giày da, Điện tử – viễn thông, Tài chính ngân hàng, Marketing – Kinh doanh – Bán hàng…


     Thị trường lao động phát triển theo xu hướng hạn chế về số lượng, tăng yêu cầu chất lượng trình độ, tay nghề, kỹ năng. Nhu cầu tuyển dụng lao động và nhu cầu tìm việc làm thường xuyên là nhân lực có trình độ nghề chuyên môn, các doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng lao động có kỹ năng; am hiểu chuyên môn, kỹ thuật và các chức danh quản lý. Cụ thể nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trên đại học – Đại học (16,02%), Cao đẳng (12,97%), nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở các nhóm ngành Kế toán – Kiểm toán, Công nghệ thông tin, Marketing – Quan hệ công chúng, Quản lý nhân sự, Kiến trúc  - Kỹ thuật công trình xây dựng… Trung cấp (26,90%) chủ yếu ở ngành Cơ khí, Kinh doanh – Dịch vụ, Bưu chính – Viễn thông – Dịch vụ công nghệ thông tin…Đa số các doanh nghiệp quan tâm thực hiện chính sách lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội để ổn định nhân lực, đa số người lao động không muốn thay đổi chỗ làm việc. Tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông không còn phổ biến như những năm trước và xu hướng tuyển dụng lao động phổ thông giảm nhiều về số lượng, các doanh nghiệp chú trọng nâng cao tiền lương – thu nhập đối với lao động phổ thông để ổn định lực lượng lao động.


    2.2 Thị trường lao động thành phố trong 06 tháng cuối năm 2013, tiếp đà phát triển 06 tháng đầu năm 2013, nền kinh tế phát triển ổn định tác động tích cực đến thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng 6,20% so 06 tháng đầu năm 2013. Nhu cầu nguồn lao động thời vụ tăng vào thời điểm cuối năm; một số nhóm ngành nghề có nhu cầu nhiều về số lượng lao động thời vụ như Bán hàng, Marketing, Dịch vụ phục vụ, Kế toán, Nhà hàng – Khách sạn, Tổ chức sự kiện, Truyền thông, Xây dựng, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Du lịch – Văn hóa... và lao động giúp việc gia đình.


Cuối năm 2013, các doanh nghiệp trong những ngành nghề như Tài chính – Ngân hàng, Kinh doanh bất động sản, Kế toán, Bưu chính viễn thông, …vẫn tiếp tục việc tái cấu trúc bộ máy nhân sự và xu hướng tuyển dụng với yêu cầu gay gắt hơn khiến nhu cầu tuyển dụng giảm về số lượng và tăng về chất lượng. Tình trạng sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường, nhất là các sinh viên từ các tỉnh, thành phố khác không tìm được việc làm hoặc khó tìm được việc làm tại thành phố Hồ Chí Minh rất phổ biến, khoảng 60% sinh viên thuộc các nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng ra trường khó tìm được việc làm và làm ngành nghề khác.


  3. Năm 2013, thành phố cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, giải quyết hàng tồn kho, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản… đặc biệt việc Chính phủ tăng mức lương tối thiểu và các chính sách của Thành phố Hồ Chí Minh về phúc lợi chăm lo tốt đời sống cho công nhân lao động và các chính sách hỗ trợ, tác động đến thị trường lao động, đã góp phần tích cực ổn định thị trường lao động thành phố.


  4. Về nhu cầu chọn ngành nghề, theo số liệu khảo sát tại 47 Trường THPT trên địa bàn thành phố năm 2013 cho thấy:


     Đa số học sinh THPT có xu hướng quan tâm tìm hiểu về các khối ngành Kỹ thuật công nghệ và Kinh tế – Tài chính. Năm 2013, nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ có 31,24% học sinh có nhu cầu học, 30,43% học sinh có nhu cầu chọn khối ngành Kinh tế - Tài chính. Cho thấy, công tác tư vấn và truyền thông về định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông tại thành phố thực hiện đạt được hiệu quả và chất lượng so với những năm trước, đã làm thay đổi được phần nào suy nghĩ trong việc chọn nghề của học sinh đối với khối ngành Kỹ thuật công nghệ.


     Các khối ngành nghề khác xu hướng có sự thay đổi tích cực cụ thể như sau: khối ngành Nghệ thuật – Thể dục – Thể thao chiếm tỷ lệ 12,28%, và Sư phạm – Quản lý giáo dục cũng chiếm tỷ lệ 10,80%, Y – Dược chiếm tỷ lệ 7,15%,  Khoa học xã hội – Nhân văn chiếm tỷ lệ 4,75%, Khoa học tự nhiên chiếm tỷ lệ 3,10%, Nông – Lâm – Ngư chiếm tỷ lệ 0,25%. Ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp là ngành học sinh có nhu cầu theo học là thấp nhất, nếu xu hướng chọn nghề của học sinh tiếp tục không chọn ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp trong những năm tiếp theo thì nhân lực trong ngành này sẽ thiếu nhiều về nhân lực có trình độ chuyên môn, trong khi nhu cầu nhân lực ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp ngày một tăng về nhân lực chất lượng cao.


     Số học sinh có nhu cầu học đại học cao nhất chiếm 80,74%, trong khi đó nhu cầu học bậc cao đẳng và trung cấp chỉ chiếm 19,26%, bậc học trung cấp chỉ chiếm tỷ lệ rất ít 6,69%. Cho thấy tâm lý của phụ huynh và học sinh vẫn mong muốn vào đại học, rất ít học sinh xác định cho mình bậc học theo đúng lực học của bản thân. Đó là điểm còn hạn chế lớn về hiệu quả hoạt động định hướng nghề nghiệp và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

 

Bảng 1: Xu hướng chọn nghề của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM 2013

TT

Ngành nghề

Tỷ lệ

(%)

1

Kỹ thuật công nghệ

31,24

2

Khoa học tự nhiên

3,10

3

Khoa học xã hội - Nhân văn

4,75

4

Sư phạm - Quản lý giáo dục

10,80

5

Nông - Lâm - Ngư

0,25

6

Kinh tế - Tài chính

30,43

7

Y - Dược

7,15

8

Nghệ thuật - Thể dục - Thể thao

12,28

    

Bảng 2: Xu hướng chọn bậc học của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM 2013

Bậc học

Tỷ lệ (%)

Đại học

80,74

Cao đẳng

12,57

Trung cấp

6,69

  

  5. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 151 trường bao gồm 54 trường Đại học, 25 trường Cao đẳng chuyên nghiệp, 10 trường Cao đẳng nghề, 39 trường Trung cấp chuyên nghiệp và 23 trường Trung cấp nghề. Đại học vẫn là hệ đào tạo chiếm tỷ trọng cao nhất (39,61%), Cao đẳng nghề có tỷ trọng thấp nhất, chỉ 4,69%.


Với 23 nhóm ngành nghề hiện đang được đào tạo trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, nhóm ngành Kinh doanh và quản lý luôn có chỉ tiêu đào tạo cao hơn các ngành khác, chiếm tỷ lệ 31,75%. Các phụ huynh và học sinh vẫn còn mang tâm lý ngành Kinh doanh và Quản lý sau khi ra trường sẽ dễ kiếm việc làm, thu nhập cao.


II. PHÂN TÍCH CUNG LAO ĐỘNG (NGUỒN NHÂN LỰC CÓ NHU CẦU VIỆC LÀM)


  1. Nhu cầu tìm việc làm


     Người lao động có nhu cầu tìm việc tại thành phố chủ yếu bao gồm lao động thất nghiệp, học sinh – sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu tìm việc làm, nhiều nhất là sinh viên các tỉnh thành phố khác (chiếm tỷ lệ trên 65%). Một số ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao như: Kế toán (23,34%), Nhân viên kinh doanh – Marketing – Bán hàng – Quan hệ công chúng (11,62%), Nhân sự – Hành chính văn phòng (10,39%), Công nghệ thông tin (6,51%), Xây dựng (4,83%), Cơ khí – Tự động hóa (4,24%), Quản lý điều hành (3,58%), Tài chính ngân hàng (3,10%), Điện tử - Cơ điện tử (2,32%), Vật tư – Kho bãi (2,29%).
 

 

Biểu đồ 1: So sánh chỉ số nhu cầu tìm việc 4 quý năm 2013

 

 

Biểu đồ 2: So sánh nhu cầu tìm việc theo trình độ nghề 4 quý năm 2013

 

     Thống kê nhu cầu tìm việc của người lao động có kinh nghiệm là 72,42% trong tổng số người có nhu cầu tìm việc làm thường xuyên trong năm, trong đó người tìm việc làm có kinh nghiệm 1 năm chiếm 11,15%, kinh nghiệm từ 2–5 năm chiếm tỷ lệ 45,11%, kinh nghiệm từ trên 5 năm chiếm tỷ lệ 16,16%. Mức lương mong muốn phổ biến trên 5 triệu đồng/tháng đến 15 triệu đồng/tháng. Sự cạnh tranh khá gay gắt giữa những người tìm việc làm có trình độ chuyên môn.

 

Bảng 3: Nhu cầu tìm việc theo kinh nghiệm

Kinh nghiệm

Tỷ lệ (%)

Không có kinh nghiệm

27,58

1 Năm

11,15

2 - 5 Năm

45,11

Trên 5 năm

16,16

 

     Về nhu cầu tìm việc phân theo trình độ năm 2013 chủ yếu là người lao động có trình độ Đại học chiếm (53,80%). Sơ cấp nghề – Công nhân kỹ thuật (3,79%), Trung cấp (13,90%), Cao đẳng (26,75%). 

 

 Biểu đồ 3: So sánh nhu cầu tìm việc theo trình độ năm 2012 và 2013

 

III. PHÂN TÍCH CẦU VIỆC LÀM (NHU CẦU TUYỂN DỤNG NHÂN LỰC)


  1. Cơ cấu lao động


Bảng 4: Cơ cấu của LLLĐ chia theo khu vực kinh tế

Ngành kinh tế 

Đơn vị

2009

2010

2011

2012

2013

Tổng

Người

3.676.206

3.696.378

3.828.240

4.029.187

4.191.767

Nông, lâm, ngư nghiệp

Người

101.759

101.200

96.232

9.968

88.862

%

2,8

2,74

2,51

2,31

2,12

Công nghiệp & xây dựng

Người

1.599.957

1.609.316

1.613.875

1.618.074

1.839.267

%

43,5

43,54

43,66

43,77

43,88

Dịch vụ

Người

1.974.490

1.985.862

1.989.586

1.993.015

2.263.638

%

53,7

53,72

53,83

53,92

54,00

 

     Theo số liệu, có thể nhận định khu vực kinh tế thu hút nhiều lao động nhất tại thành phố là khu vực Dịch vụ, cho thấy thị trường lao động theo hướng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thành phố. Xu hướng phát triển khu vực Thương mại – Dịch vụ về nhu cầu lao động tăng lên hằng năm. Ước tính năm 2013, tỷ lệ lực lượng lao động làm việc trong 3 khu vực cụ thể như sau: Nông – Lâm – Ngư nghiệp (2,12%), Công nghiệp – Xây dựng (43,88%), Dịch vụ (54,00%).


    Bảng 5: Cơ cấu của LLLĐ trong doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM chia theo trình độ

Trình độ

Tỷ lệ

Lao động chưa qua đào tạo

33,71

Công nhân kỹ thuật

19,71

Sơ cấp nghề

9,50

Trung cấp (CN-TCN)

10,29

Cao đẳng (CN-CĐN)

8,25

Ðại học trở lên

18,54

 

           

Bảng 6: Cơ cu của LLLĐ trong doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM chia theo trình độ và khu vực kinh tế

 

Khu vực kinh tế Trình độ chuyên môn (%)

Lao động chưa qua đào tạo

Công nhân kỹ thuật Sơ cấp nghề

Trung cấp

(CN-TCN)

Cao đẳng

(CN-CĐN)

Ðại học trở lên Tổng
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. 33,90 22,38 25,39 5,22 3,35 9,76 100
Công nghiệp và xây dựng 42,89 27,55 6,31 7,96 5,31 9,98 100
Thương mại và dịch vụ 24,00 11,21 11,58 13,16 11,75 28,30 100

 

     Khu vực Thương mại và Dịch vụ luôn có nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn cao nhiều nhất, trong khi khu vực Công nghiệp – Xây dựng và Nông nghiệp  –  Lâm nghiệp – Thủy sản có nhu cầu sử dụng lao động chưa qua đào tạo và đào tạo nghề ngắn hạn nhiều nhất.


     Phân tích nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, cho thấy số lao động đang làm việc chưa qua đào tạo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ lệ cao (33,71%), công nhân kỹ thuật – sơ cấp nghề (29,21%), tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp (10,29%), trình độ từ cao đẳng trở lên (26,79%). Nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn thành phố ngày càng chú trọng lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề.


  2. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực


     Theo số liệu khảo sát, cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2013 giảm 14,26% so với năm 2012. Số lượng tuyển dụng giảm ở tất cả các ngành nghề và tất cả mọi trình độ. Về nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo giảm 34,10% về số lượng chỗ làm việc so năm 2012,  chủ yếu các nhóm ngành nghề như: Dệt may – Giày da, Chế biến thực phẩm, Cơ khí, Điện tử – viễn thông, Xây dựng – Kiến trúc, Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản, Nhà hàng - Khách sạn, Dịch vụ và phục vụ, Nhân viên kinh doanh - Bán hàng, … Ngành Dệt may – Da giày tuy vẫn thường xuyên thiếu hụt, biến động lao động; nhưng không tuyển dụng số lượng lao động nhiều như mọi năm mà chủ yếu tập trung ổn định đội ngũ lao động đang làm việc.


     Về cơ cấu trình độ chuyên môn, năm 2013 nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ (38,10%) trong tổng nhu cầu tuyển dụng, lao động có trình độ Đại học – Trên Đại học chiếm (14,87%), Cao đẳng chiếm (14,05%), Sơ cấp nghề chiếm (2,50%), Trung cấp chiếm (25,70%). Nhu cầu lao động có trình độ chủ yếu trong những nhóm ngành nghề như: Cơ khí – Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Tài chính – Ngân hàng, Kinh doanh – Quản lý, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Truyền thông – Quảng cáo – Thiết kế đồ họa, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng…


     Những nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất năm 2013 là: Nhân viên kinh doanh - Bán hàng – Marketing – Quan hệ công chúng (30,20%), Dịch vụ phục vụ (giúp việc nhà, bảo vệ...) (14,23%), Công nghệ thông tin (6,57%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (5,82%), Cơ khí – Tự động hóa (4,32%), Dệt may – Giày da (4,64%), Kế toán - Kiểm toán (3, 09%), Truyền thông – Quảng cáo – Thiết kế đồ họa (2,53%)…


     Về ngành nghề đào tạo, năm 2013 nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo năm 2013 giảm 25,56% so năm 2012, thống kê theo 9 nhóm ngành đào tạo năm 2013 nhu cầu nhân lực chỉ tăng ở các nhóm ngành Khoa học tự nhiên (1,5 lần) và Nông – Lâm – Ngư (1,89%) và giảm ở các nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ, Khoa học xã hội – Nhân văn, Sư phạm – Quản lý giáo dục, Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính, Y – Dược. Nhu cầu nhân lực trình độ trên đại học tăng 71,71% so năm 2012 trong các nhóm ngành Khoa học tự nhiên và Kinh tế - Tài chính, nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở xuống giảm so năm 2012.
 

 

 Biểu đồ 4: Nhu cầu tìm việc theo ngành nghề đào tạo năm 2013


     Phân tích kết quả khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp năm 2014 của Trung tâm Dự báo nhu cầu và Thông tin thị trường lao động thành phố tại 2.576 doanh nghiệp vào quý 4/2013 cho thấy mức lương bình quân của người đang làm việc cụ thể: lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh là lao động phổ thông, sơ cấp nghề khoảng 2,5 – 5 triệu đồng/tháng. Mức lương bình quân lao động chuyên môn nghiệp vụ, nhân viên hành chính vào khoảng từ 5 - 8 triệu đồng/tháng; nhân viên; nhân viên làm quản lý – lãnh đạo có mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng.


 Biểu đồ 5: So sánh nhu cầu tìm việc theo trình độ nghề 4 quý năm 2013

 

 Biểu đồ 6 : Các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều năm 2013

 

 Biểu đồ 7: Chỉ số nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn năm 2013

 

  3. So sánh cung – cầu lao động


     Năm 2013, thị trường lao động thành phố tiếp tục có sự chênh lệnh cung – cầu, một số ngành nghề biểu hiện tương đối rõ nét là:


      + Tài chính – Ngân hàng: là ngành nghề có số lượng doanh nghiệp tái cấu trúc bộ máy nhân sự nhiều nhất, vì vậy tỷ lệ lao động mất việc làm trong ngành nghề này tăng so năm 2012, bên cạnh đó nhu cầu tuyển dụng năm 2013 giảm 32,34% so năm 2012, trong khi nhu cầu tìm việc không giảm, điều này tạo sự cạnh tranh gay gắt về việc làm đối với người lao động. Tuy vậy nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục việc tuyển dụng mới nhân sự. Nhân sự Tài chính – Ngân hàng có chuyên môn giỏi là yêu cầu cần thiết của nhiều doanh nghiệp. Năm 2013, nhu cầu tuyển dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố khoảng 5.000 người, trong đó 50% chỉ tiêu tuyển dụng ưu tiên thu hút đối với sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, nhưng yêu cầu cao về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm.


     + Cơ khí: Nhu cầu tuyển dụng năm 2013 tăng 31,84%, tăng nhiều ở công nhân kỹ thuật, lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực năm 2013 tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 54,87% ở trình độ từ trung cấp đến đại học. Các doanh nghiệp luôn không tuyển đủ người, cho dù đã đặt hàng đào tạo và không yêu cầu quá cao về tay nghề, trình độ …


     + Xây dựng – Kiến trúc: Năm 2013, thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, kéo theo ngành xây dựng cũng không phát triển, điều này làm nhu cầu nhân lực giảm. Vì vậy, trong năm 2013 nhu cầu tuyển dụng giảm gần 2,43% so năm 2012, tỷ lệ người lao động trong ngành kiến trúc – xây dựng tìm việc làm cũng khá cao. Số chỗ làm việc trống chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tìm việc làm ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.


     + Công nghệ thông tin: Nhu cầu tuyển dụng trong năm 2013 chiếm tỷ lệ cao trong tổng nhu cầu tuyển dụng (6,57%), nhưng so năm 2012 nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn giảm 3,9% , đặc biệt nhu cầu tuyển dụng trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, tester, nhân viên phát triển phần mềm, thiết kế lập trình web, lập trình mobile … tuy vậy, nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng 61% nhu cầu tuyển dụng bao gồm 30% là sinh viên mới tốt nghiệp và 70% là lao động có kinh nghiệm trên 1 năm.


     + Marketing – Nhân viên kinh doanh – Quan hệ công chúng, Bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Vận tải – Kho bãi: Năm 2013 nhu cầu tuyển dụng chiếm 44,43% tổng nhu cầu tuyển dụng, trong đó nhu cầu lao động thời vụ chiếm khoảng 25%. Nhu cầu nhân lực 2013 giảm 29,44% so năm 2012 một phần ảnh hưởng của tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Ngành nghề Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ có xu hướng tăng nhu cầu nhân lực vào thời điểm cuối năm.


     + Dệt may- Da giày: Nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2013 giảm 48,48% so năm 2012, giảm nhiều ở tuyển dụng lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật lành nghề, sơ cấp nghề, tuy vậy tăng nhu cầu tuyển dụng lao động cao đẳng, đại học đặc biệt lao động cho thiết kế, tạo mẫu sản phẩm, cho thấy các doanh nghiệp chú trọng khâu tạo mẫu, thiết kế sản phẩm may cho phù hợp với xu hướng của thị trường nội địa.  


     + Đối với các nhóm ngành nghề khác, thì nhu cầu tuyển về công nhân kỹ thuật lành nghề, nhân lực có trình độ cao, nhân lực quản lý cũng luôn là yêu cầu cần thiết của các doanh nghiệp.


     Tóm tắt nhận định chung về tình hình thị trường cung – cầu nhân lực của thành phố năm 2013 còn những vấn đề cần được quan tâm:


      - Tình trạng lao động thất nghiệp một phần do sự chưa đồng bộ về số lượng -  chất lượng đào tạo và  nhu cầu sử dụng lao động, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặc biệt nhu cầu nhân lực chất lượng cao.


      - Chất lượng, số lượng, cơ cấu đào tạo chưa đáp ứng, cân đối phát triển nhân lực đối với 04 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố.


      - Biến động, dịch chuyển lao động khu vực thương mại - dịch vụ vẫn còn cao (20%) so biến động dịch chuyển chung của thị trường lao động thành phố (15%).


-    Biến động, dịch chuyển lao động khu vực nông – lâm- ngư nghiệp và công nghiệp – xây dựng khoảng (10%)

 

PHẦN II
DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2014


I. ĐẶC ĐIỂM THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

  1. Những mặt tích cực:


    -    Kinh tế thành phố năm 2013 tiếp tục nhiều khó khăn, hạn chế nhưng xu hướng tăng trưởng ổn định tạo điều kiện thuận lợi phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2014.


    -    Năm 2015 Việt Nam chính thức Hội nhập Asean, thuận lợi cho thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.


    -    Sự quan tâm đặc biệt của thành phố và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực; với thế mạnh về giáo dục – đào tạo, khoa học kỹ thuật để phát triển các ngành kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại.


    -    Các doanh nghiệp luôn tích cực phát triển năng động, quan tâm các chính sách thu hút nguồn nhân lực đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật.


    -    Sự thay đổi tích cực về nhận thức và các giải pháp đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và kỹ năng nghề gắn với sử dụng lao động, cân đối theo trình độ nghề; nhu cầu ngành nghề để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy nguồn nhân lực phát triển nhất là đối với thanh niên về tự học tập, nâng cao trình độ nghề và các kỹ năng nghề.


  2. Những mặt hạn chế


    - Nguồn lao động có trình độ và kỹ năng, ngoại ngữ không đáp ứng về chất lượng đối với nhu cầu phát triển cơ cấu kinh tế thành phố. Đây là hạn chế phát triển nguồn nhân lực thành phố phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


    - Trong tổng số sinh viên – học sinh sau khi được đào tạo, tìm việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% làm việc khác ngành nghề được đào tạo, việc làm thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định hoặc chưa tìm được việc làm. Vấn đề kỹ năng mềm là yêu cầu mà nhiều sinh viên học sinh chưa đáp ứng được theo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.


    - Tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế tạo mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm.


    - Tình trạng thiếu việc làm, nhu cầu tìm việc làm để tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống là yêu cầu bức xúc của người lao động chưa qua đào tạo nghề nhất là lao động nữ khu vực nông thôn, ngoại thành.


II. NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2014


  1. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015; thành phố tiếp tục có nhiều chính sách, giải pháp dồn sức cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; triển khai hiệu quả chính sách miễn, giảm, giãn thuế; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội…; tập trung thực hiện có hiệu quả 6 Chương trình đột phá, thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển bền vững, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố 5 năm 2011–2015.


      Kinh tế xã hội thành phố phát triển là điều kiện phát triển thị trường lao động thành phố năm 2014 theo xu hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.


  2. Căn cứ chỉ tiêu tăng trưởng GDP của thành phố, căn cứ chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2011- 2015 và ứng dụng các phương pháp dự báo phân tích nhu cầu nhân lực; dự kiến năm 2014 toàn thành phố có nhu cầu 265.000 chỗ làm việc trống, trong đó 130.000 chỗ làm việc mới. Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào những ngành nghề Kinh doanh, Dịch vụ - Phục vụ, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Du lịch, Tư vấn – Bảo hiểm, Cơ khí, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Điện tử,  Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh…


  3. Dự báo năm 2014 nhu cầu nhân lực của các ngành như sau:


Bảng 7: Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn TPHCM năm 2014

TT

Ngành nghề

Tỷ lệ

1

Cơ khí

3,77

2

Điện tử - Công nghệ thông tin

6,81

3

Chế biến tinh lương thực thực phẩm

1,79

4

Hóa chất - Nhựa cao su

1,52

 

Bảng 8: Nhu cầu nhân lực 9 ngành kinh tế dịch vụ trên địa bàn TPHCM năm 2014 

TT

Ngành nghề

Tỷ lệ

1

Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng - Bảo hiểm

5,95

2

Giáo dục - Đào tạo

1,19

3

Du lịch

2,50

4

Y tế

2,15

5

Kinh doanh tài sản - Bất động sản

1,50

6

Dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai

3,69

7

Thương mại - Quản lý

35,08

8

Dịch vụ vận tải - Kho bãi - Dịch vụ cảng

2,01

9

Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin

2,11


Bảng 9: Nhu cầu nhân lực các ngành nghề khác trên địa bàn TPHCM năm 2014

TT

Ngành nghề

Tỷ lệ

1

Dịch vụ phục vụ

15,98

2

Dệt may - Giày da - Thủ công mỹ nghệ

6,03

3

Xây dựng - Kiến trúc - Môi trường

2,68

4

Nông - Lâm - Thủy sản

0,44

5

Khoa học - Xã hội - Nhân văn

1,61

6

Ngành nghề khác

3,19

Tổng nhu cầu tuyển dụng năm 2014 : 265.000 chỗ làm việc trống.

 

  4.  Xu hướng nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn năm 2014

 

Bảng 10: Xu hướng nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn năm 2014

STT

Trình Độ

Cơ cấu nhu cầu (%)

1

Lao động chưa qua đào tạo

37,29

2

Sơ cấp nghề

4,75

3

Công nhân kỹ thuật lành nghề

4,47

4

Trung cấp (CN-TCN)

26,48

5

Cao đẳng (CN-CĐN)

12,69

6

Đại học

13,68

7

Trên đại học

0,64

  

Biểu đồ 8: Dự báo nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn năm 2014


  5. Dự báo xu hướng phát triển thị trường lao động năm 2014 như sau:


    - Quý I/2014, nhu cầu nhân lực thời vụ cho hoạt động Dịch vụ - Phục vụ, Bán hàng sẽ tăng cao trong tháng 1/2014. Tháng 2 và tháng 3 xu hướng nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cho các ngành sản xuất, chế biến như Dệt may – Giày da, Chế biến thực phẩm, Nhựa – Bao bì, Xây dựng, … tăng cao so tháng 1/2014 và các tháng cuối năm 2013, trong quý I/2014 nhu cầu khoảng 55.000 chỗ làm việc trống, trong đó có khoảng 15% nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, 40% nhu cầu lao động phổ thông. Sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán 2014 sẽ không diễn ra ở mức độ cao như năm trước. Dự kiến mức thiếu hụt bình quân khoảng dưới 5%, đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ mức thiếu hụt khoảng 6 – 10%.


    - Quý II/2014 và quý III/2014, dự báo tình hình kinh tế thành phố tăng trưởng so quý I/2014 và cuối năm 2013, thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu phục hồi, thị trường lao động dự báo tăng trưởng ổn định so với quý I/2014. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của quý II và quý III/2014 khoảng 75.000 chỗ làm việc trống mỗi quý, tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như : Cơ khí, Công nghệ thông tin, Quản lý nhân sự, Hóa – Hóa chất, Marketing – Nhân viên kinh doanh, Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Xây dựng – Kiến trúc, Dệt may – Giày da, Điện – Điện tử,  …


    - Quý IV/2014, nhu cầu khoảng 60.000 chỗ làm việc trống, việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự chú trọng chất lượng, trình độ tiếp tục là xu hướng của năm 2014 và sẽ diễn ra mạnh hơn, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cơ cấu lại bộ máy nhân sự với những nhân sự có chất lượng cao hơn, người lao động có trình độ chuyên môn giỏi sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm công việc thu nhập cao và phù hợp hơn. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực khối ngành kỹ thuật chiếm tỷ lệ ngày càng cao hơn trong nhu cầu tuyển dụng đây cũng là xu hướng của 2014. Việc tái cấu trúc của các doanh nghiệp tiếp tục diễn ra nhiều trong lĩnh vực Kinh doanh - Dịch vụ.


    - Năm 2014, xu hướng tuyển dụng và sử dụng lao động thời vụ của các doanh nghiệp trong các ngành sẽ phổ biến để đáp ứng phát triển sản xuất - kinh doanh vừa là yêu cầu để các doanh nghiệp đánh giá, chọn lọc chất lượng làm việc của người lao động.
 

Biểu đồ 9: Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2014


II. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG


Thực trạng thị trường lao động thành phố luôn diễn biến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn; cho thấy tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh.


Từ góc độ của chức năng, nhiệm vụ hoạt động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố đề xuất các vấn đề như sau:


  1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.


Tăng cường các giải pháp quản lý hiệu quả nguồn lao động, cập nhật tình trạng lao động thất nghiệp, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc, nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm.


Các cơ quan thẩm quyền thực hiện nhanh lộ trình sắp xếp hệ thống trường chuyên về từng cấp đào tạo Đại học, Cao đẳng và Trung cấp; phát triển đào tạo liên thông theo loại hình vừa học vừa làm, thống nhất không phân biệt bằng cấp theo loại hình đào tạo.


  2. Tăng cường sự phối hợp các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao.


Tạo chuyển biến mạnh với các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao. Nâng cao nhận thức các yếu tố cạnh tranh trong quá trình tham gia thị trường lao động của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động về chất lượng nguồn nhân lực.


Tăng cường thông tin định hướng xã hội, không nên chú trọng học nghề theo giá trị bằng cấp; tham gia vào thị trường lao động là năng lực hành nghề, chọn nghề học theo năng lực, điều kiện và xu hướng nhận diện thị trường lao động.
3. Xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào đạo của từng trường đào tạo nghề, gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp trình độ đào tạo.


Cần xác định được khung chương trình đào tạo phù hợp, có chất lượng phù hợp với nhu cầu công việc xã hội và các doanh nghiệp. Hạn chế việc đào tạo tự phát không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thừa thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp.
Chất lượng đào tạo bậc trình độ đại học, cao đẳng rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tuy vậy, việc đào tạo cần phải có chiến lược cụ thể để tránh lãng phí nguồn lực đào tạo của nhà nước, cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Bên cạnh việc định hướng đầu vào, các trường Đại học, Cao đẳng là yêu cầu rất cần thiết về cân đối nguồn nhân lực hiện nay và các năm tới.


Quy hoạch tổng thể đào tạo nghề, sắp xếp lại hệ thống dạy nghề trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường lao động và khả năng đào tạo của các trường nghề, phát triển một số trường đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả đào tạo thu hút nhiều học viên.


 4. Hoàn thiện và phát triển hệ thống Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động. Đầu tư phát triển các hoạt động tư vấn quan hệ doanh nghiệp, thông tin nghề nghiệp – việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo.


Công tác đào tạo nguồn nhân lực của các trường Đại học, Cao đẳng cần phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường và các doanh nghiệp cần hỗ trợ chặt chẽ với nhau trong việc định hướng đào tạo, tìm hiểu nhu cầu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực xã hội.


 5. Tăng cường giám sát trách nhiệm các doanh nghiệp về thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và phối hợp với tổ chức dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu tuyển dụng lao động, theo số lượng và cơ cấu ngành nghề sử dụng lao động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.


Tình trạng “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn diễn biến trên thị trường lao động. Việc thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối thừa, thiếu như thế nào là một yếu tố quan trọng giúp các cơ sở giáo dục rà soát lại quá trình đào tạo và cung ứng lao động.


 6. Để tạo nguồn đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội phải làm tốt công tác hướng nghiệp phải định hướng sự chú ý, kích thích sự hứng thú của học sinh, sinh viên vào những ngành nghề kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước cần phát triển; giúp học sinh, sinh viên tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực phù hợp.


Có 5 vấn đề trọng tâm, học sinh mong muốn được hướng nghiệp: ngành nghề, xu hướng việc làm của thị trường lao động; định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp; các quy định thi tuyển, xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình; giới thiệu về các trường và ngành đào tạo, chuẩn đầu ra và khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp.


Kinh nghiệm cho thấy để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả cao, phải có sự kết hợp đồng bộ của 8 nhóm đối tượng: cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo và lao động - việc làm; các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động; các cơ quan nghiên cứu nhân lực dự báo nhu cầu, thông tin thị trường lao động, cung ứng việc làm; các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở; cơ quan truyền thông; phụ huynh, học sinh, lực lượng lao động.


Công tác hướng nghiệp cần được xác định đối với học sinh đang học các lớp trung học phổ thông và cần mở rộng đối với học sinh trung học cơ sở vì nhiều em sẽ không chuyển tiếp cấp 3 mà chuyển sang học nghề Sơ cấp hoặc Trung cấp.


7. Tiếp tục hoàn thiện “Quy hoạch phát triển nhân lực TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2020”. Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của thành phố và các ngành khoa học xã hội 


Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ học nghề cho thanh niên tại thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 4140/QĐ-UBND ngày 14/8/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đề án hỗ trợ thanh niên học nghề) và chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề công nhân, người lao động trong doanh nghiệp (theo Quyết định số 2675/QĐ-UBND ngày 24/5/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố).


Đa dạng các hình thức và mở rộng quy mô đào tạo thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đặc biệt chú trọng đối với lao động nữ nông thôn lớn tuổi, thiếu việc làm hoặc làm việc không ổn định.


Tạo điều kiện cho Hội Dạy Nghề Thành phố phát triển các học bổng khuyến nghệ và tôn vinh người công nhân, thợ kỹ thuật.


8. Để được các doanh nghiệp tuyển dụng theo nghề đã học và làm việc có hiệu quả, phát triển nghề nghiệp luôn là vấn đề được người lao động nhất là sinh viên, học sinh và người sử dụng lao động hết sức quan tâm. Muốn làm việc được hiệu quả thì một trong những yếu tố tạo nên đó là kỹ năng nghề, chất lượng làm việc của người lao động được nâng cao. Từ đó, để phát triển nghề nghiệp, phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.


Vì vậy vấn đề đào tạo kỹ năng mềm cho người học nghề ở các cấp bậc Đại học – Cao đẳng – Trung cấp – Sơ cấp rất quan trọng, cần đa dạng phương pháp đào tạo, huấn luyện gắn kết người học với doanh nghiệp, với hoạt động xã hội và thúc đẩy tinh thần tự rèn luyện theo nhu cầu việc làm của thị trường lao động./.

  

Nơi nhận:                   
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;   
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC

 

 


Trần Anh Tuấn

 


 

DỰ BÁO CHỈ SỐ CƠ CẤU CẦU NHÂN LỰC THEO NGÀNH NGHỀ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2014

 

 

STT Ngành nghề Chỉ số năm 2014 (%)
1 Cơ khí - Tự động hóa 3,77
2 Điện tử - Cơ điện tử 1,56
3 Công nghệ thông tin 5,25
4 Công nghệ thực phẩm 1,79
5 Hóa chất - Hóa dược - Mỹ phẩm 1,52
6 Công nghệ sinh học 0,5
7 Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng 2,08
8 Điện - Điện lạnh - Điện công nghiệp 1,46
9 Công nghệ ô tô - Xe máy 0,25
10 Dầu khí - Địa chất 0,2
11 Môi trường - Xử lý chất thải - Cấp thoát nước 0,6
12 Quản lý kiểm định chất lượng 0,3
13 Nhựa - Bao bì 0,28
14 Mộc - Mỹ nghệ - Tiểu thủ công nghiệp 0,35
15 Dệt may - Giày da 6,03
16 Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản 0,44
17 Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng 1,63
18 Kế toán - Kiểm toán 2,88
19 Kinh doanh tài sản - Bất động sản 1,5
20 Bảo hiểm 1,44
21 Marketing - Quan hệ công chúng 4,65
22 Nhân viên kinh doanh - Bán hàng 24,44
23 Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn 2,5
24 Bưu chính - Viễn thông - Dịch vụ công nghệ thông tin 1,21
25 Truyền thông - Quảng cáo 1,8
26 Y dược - Chăm sóc sức khỏe 2,15
27 Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu 2,01
28 Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng 3,49
29 Biên phiên dịch 0,96
30 Dịch vụ phục vụ (giúp việc nhà, bảo vệ...) 15,98
31 Luật - pháp lý 0,19
32 Xã hội học - Tâm lý học 0,05
33 Giáo dục - Đào tạo - Thư viện 1,19
34 Khoa học nghiên cứu 0,08
35 Công tác Đảng - Đoàn thể 0,03
36 Báo chí - Biên tập viên 0,57
37 Quản lý điều hành 1,5
38 Nhân sự 0,52
39 Hành chính văn phòng 2,17
40 Ngành nghề khác (Văn hóa nghệ thuật, ….) 0,67
 Tổng số ( 100% = Số người )  265.000

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024715421

TRUY CẬP HÔM NAY: 1426

ĐANG ONLINE: 93