Thất nghiệp 1,84%: con số “ru ngủ”


TT - Thêm hai ý kiến phân tích về "tỉ lệ thất nghiệp 1,84%" của Việt Nam: chính cách tính không phù hợp đã dẫn đến kết quả không phản ánh đúng thị trường lao động.

 

Ông Trần Anh Tuấn - Ảnh: H.Khoa
Ông Trần Anh Tuấn - Ảnh: H.Khoa

 

* Ông Trần Anh Tuấn (phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM):

 

Không tin tưởng “tỉ lệ đẹp”

 

Theo tôi được biết, cách tính tỉ lệ thất nghiệp của Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng các cơ quan thống kê là theo thông lệ quốc tế chứ không phải họ tự nghĩ ra, tự làm.

 

Điều tra những người trong độ tuổi lao động trong bảy ngày gần nhất, chỉ cần có một giờ đi làm và tạo thu nhập là coi như có việc làm - cách tính này phù hợp với những nước phát triển, có thị trường lao động ổn định.

 

Vì ở những nước đó, người nào đã bị mất việc làm thì chuyện tìm việc không dễ dàng. Nhưng nếu đã tìm lại được việc làm mới, có người chịu thuê mướn thì tính ổn định của công việc lại cao hơn.

 

Trong khi đó ở nước ta, những công việc dạng thời vụ, phi chính quy, tự tạo việc làm như phụ hồ, bốc xếp, buôn bán hàng rong, xe ôm... rất nhiều, rất dễ kiếm nhưng cũng dễ mất - tức thu nhập từ những công việc này không ổn định.

 

Chưa kể ở Việt Nam, chúng ta còn có một “bà đỡ” là lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn. Cho nên người thất nghiệp ở thành thị có thể về quê phụ việc đồng áng, phụ vợ con làm lặt vặt chuyện này chuyện khác, hoặc cứ ở nhà rồi ai thuê gì làm nấy.

 

Nếu người đi khảo sát gặp lúc họ vừa được thuê rồi cứ thế mà ghi rằng họ có việc làm thì điều này không sai về nguyên tắc nhưng lại chưa thỏa đáng, vì ai cũng biết những việc kiểu như thế rất bấp bênh, thu nhập lại thấp, không thể giúp người ta ổn định cuộc sống.

 

Ngoài ra, việc đem cả người về hưu, người hết tuổi lao động vào tính trong tỉ lệ thất nghiệp cũng chưa thỏa đáng.

 

Nên phân rõ ra và chỉ tính các đối tượng tuy đã về hưu nhưng còn sức khỏe, còn kỹ năng và có tham gia thị trường lao động thật sự.

 

Như vậy, việc đưa ra tỉ lệ thất nghiệp có vẻ tốt đẹp như thế là chưa phản ánh được đầy đủ tính chất của thị trường lao động Việt Nam.

 

Tỉ lệ đẹp này cũng khiến người lao động cảm thấy không hài lòng, không tin tưởng vì rõ ràng cuộc sống thực tế của họ vẫn còn vất vả, phải chật vật mưu sinh, việc làm thì không ổn định.

 

Tôi cho rằng các cơ quan chức năng của Nhà nước nên có sự thống nhất để chọn ra cách tính hợp lý, khoa học và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tránh tình trạng nhiều cơ quan đưa ra con số, mỗi nơi lại tính theo mỗi kiểu khác nhau làm người dân hoang mang.

 

Những cơ quan cấp thấp, cấp địa phương như chúng tôi cũng thấy rất khó trong việc dự báo, tham mưu hoạch định chiến lược của địa phương.

 

Ông Nguyễn Trung Thông - Ảnh: Mai Hương
Ông Nguyễn Trung Thông - Ảnh: Mai Hương

 

* Ông Nguyễn Trung Thông (nguyên phó trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM):

 

Cách tính khó thuyết phục

 

Một người được xem là có việc làm nếu trong bảy ngày trước khi trả lời khảo sát có một giờ lao động tạo thu nhập - cách tính thế này khó thuyết phục được. Bởi vì có việc làm nên được hiểu là có công việc tạo thu nhập ổn định, đủ nuôi sống bản thân.

 

Việc xem người hết tuổi lao động nhưng có thu nhập từ lương hưu, tiền trợ cấp, tiền con cháu biếu, tặng... cũng là người có việc làm lại càng không thuyết phục.

 

Tôi cho rằng đã nói đến “lao động, việc làm” thì phải là hoạt động tạo ra sản phẩm cho xã hội, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Còn tiền trợ cấp, tiền được người khác biếu, tặng thật ra là sự san sẻ thu nhập của người này cho người khác - không tạo thêm sản phẩm mới.

 

Có thể nói tỉ lệ thất nghiệp 1,84% được Bộ Lao động - thương binh và xã hội đưa ra là một tỉ lệ lý tưởng nhưng không thuyết phục. Đơn giản vì tình hình thực tế đang diễn ra rất khác biệt và tôi tin rằng tỉ lệ thất nghiệp của nước ta thời điểm hiện tại phải cao hơn rất nhiều.

 

Việc đưa ra con số như thế này rất dễ ru ngủ các nhà hoạch định chính sách và không có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 

Nếu cơ quan thống kê viện dẫn lý lẽ rằng ta đang tính theo cách mà quốc tế vẫn làm thì cách làm này cũng cần phải xem lại. Học hỏi thế giới nhưng phải phù hợp với thực tiễn trong nước - không thể bê nguyên xi cách làm tại những nước phát triển để áp dụng cho Việt Nam, bởi chúng ta vẫn còn là nước đang phát triển, tính chất của nền kinh tế, của thị trường lao động có nhiều cái không tương đồng với nước giàu.

 

Tôi đề nghị cơ quan chức năng nên khảo sát kỹ hơn, lựa chọn cách làm khoa học, phù hợp hơn. Đặc biệt, phạm vi khảo sát phải rộng khắp các vùng miền - không nên chỉ bó hẹp trong các thành phố lớn, những nơi tập trung đông dân cư.

 

Có như vậy mới mong vẽ được bức tranh thực về lao động, việc làm của cả nước.

 

 

MAI HƯƠNG ghi

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024717445

TRUY CẬP HÔM NAY: 1945

ĐANG ONLINE: 94