Nghịch lý trong thị trường lao động Tp.HCM


Radiovietnam - Thị trường lao động Tp.HCM đang xuất hiện tình trạng nhu cầu tuyển dụng giảm, số người thất nghiệp tăng nhưng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vẫn không tuyển dụng đủ lao động.
 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
 
60% sinh viên ra trường chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong kỹ năng nghề; 20% cử nhân Đại học tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc; tỷ lệ thất nghiệp của thành phố cao, trung bình hơn 5%... Kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thị trường lao động ở thành phố đang có nhiều mâu thuẫn, mất cân đối. 
 
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, nguyên Trưởng ban Triết học và Chính trị - Viện nghiên cứu phát triển thành phố luôn trăn trở về câu chuyện đi xin việc của một kỹ sư trẻ. Được đánh giá học rất giỏi, chuyên môn rất tốt nhưng kỹ sư này đã bị nhà tuyển dụng đánh trượt chỉ vì khi đi qua một vòi nước đang chảy mà không khóa lại.
 
Theo ông, đó là một sự nghiêm khắc đề cao trách nhiệm xã hội - một ví dụ nhỏ nhưng đã tác động đến cách suy nghĩ của nhà quản lý, nhà đào tạo, đặc biệt là người đi xin việc. Điều này cũng cho thấy chất lượng đào tạo cử nhân đang có vấn đề, lý thuyết nhiều nhưng thiếu thực hành, thiếu trang bị kỹ năng xã hội, ứng xử cho sinh viên.
radiovietnam_Nghịch lý trong thị trường lao động Tp.HCM
Thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh vẫn có sự mất cân bằng giữa các nhóm ngành và cơ cấu trình độ 
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh sự lệch pha giữa cung và cầu trong thị trường tuyển dụng thì hiện nay so với năm 2013, lao động một số ngành nghề đang có biến động lớn. Các ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm nhiều lao động, trong khi lao động trong nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm, đáng chú ý là tỷ trọng lao động gia đình tăng nhanh. Việc không dự báo được những thay đổi về thị trường là một trong những nguyên nhân gây cản trở đến cơ hội việc làm.
 
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đề xuất: “Từ cấp trung ương đến các tỉnh, thành phố dứt khoát phải xây dựng được những trung tâm dự báo đánh giá về biến động thị trường, lao động việc làm gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những khó khăn, thuận lợi và nhu cầu lao động, sử dụng lao động, tạo việc làm. Phải đầu tư về nhân tài vật lực để các cơ quan này có đủ khả năng làm tốt công tác dự báo ở mức tối đa”.
 
Để khắc phục mâu thuẫn, nghịch lý giữa lao động việc làm, cung - cầu đào tạo và nhu cầu sử dụng, các nhà nghiên cứu cho rằng, điều quan trọng là phải tạo được sự kết nối giữa các chủ thể gồm: cơ quan quản lý nhà nước; các trung tâm tư vấn, dự báo lao động việc làm; các chủ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và lực lượng lao động.
 
Theo Tiến sĩ Lê Anh Duy, Trường Đại học Sài Gòn, trong đào tạo bậc Đại học cần chú trọng hơn đến kỹ năng thực hành cho sinh viên: “Trong đào tạo chúng ta vẫn lý thuyết nhiều, ít chú trọng kỹ năng. Hiện một số trường bắt đầu nhận ra điều này và có thay đổi nội dung chương trình, giúp các em có kỹ năng chuyên môn để bắt nhịp nhanh hơn. Quan trọng là giảng viên cũng phải có kinh nghiệm và kỹ năng, cho nên nhà trường cần có kế hoạch đưa giảng viên đi thực tế và nên mời các cơ quan, đơn vị đến giảng một số chuyên đề để nâng cao kỹ năng cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu của xã hội”.
 
Thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay nổi lên một vấn đề, đó là nhu cầu tuyển dụng giảm, số người thất nghiệp tăng nhưng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vẫn không tuyển dụng đủ lao động. Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Giải - Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển thành phố, để giải quyết vấn đề này, nhà đào tạo phải tăng cường nắm bắt thông tin thị trường lao động cần những công việc nào để có chương trình đào tạo phù hợp, còn doanh nghiệp thì phải chấp nhân cho lao động thử việc và tái đào tạo.
 
Thạc sĩ Nguyễn Quang Giải nói: “Cần có giải pháp đồng bộ, nhà đào tạo phải tập trung kỹ năng mềm và chuyên môn giỏi; các doanh nghiệp phải chấp nhận thu hút lao động, đào tạo, trải qua giai đoạn thử việc và các cơ quan chức năng có liên quan phải cùng vào cuộc, có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Như vậy mới giúp thanh niên gia nhập thị trường lao động, nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình, cộng đồng xã hội”.
 
Thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh vẫn có sự mất cân bằng giữa các nhóm ngành và cơ cấu trình độ. Nghịch lý vừa thừa vừa thiếu nhân lực do quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, phải sắp xếp lại cho đội ngũ có tính chuyên môn, chuyên nghiệp hơn. Thành phố vẫn đang rất thiếu nhân lực trong lĩnh vực: công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt trong 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực của thành phố là cơ khí, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, hóa chất và kinh tế dịch vụ.
 
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, Sở Lao động, thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, giúp thanh niên xác định năng lực, sở trường, điều kiện học tập và xu ướng phát triển của thị trường lao động để chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai. Chúng ta cũng phải tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động một cách chuyên nghiệp hơn, tạo kết nối cung cầu lao động, giữa thành phố và các khu vực để thị trường lao động phát triển đồng bộ và ổn định”.
 
Thực trạng mất cân đối trong quá trình lao động việc làm, giữa đào tạo và sử dụng đang là những mâu thuẫn rất lớn và thực sự cấp bách, đòi hỏi phải được giải quyết tốt và kịp thời để đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho người lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước.
 
Ngọc Xuân - Thường trú VOV tại Tp.HCM

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024867064

TRUY CẬP HÔM NAY: 425

ĐANG ONLINE: 5