PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI 2010 - 2020


Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển công tác xã hội (CTXH) trở thành một nghề tại VN đã mở ra cơ hội nghề nghiệp cho những ai theo đuổi nghề này.

 

   Liên kết ba ngành

      Theo Hiệp hội CTXH thế giới, nghề CTXH là hoạt động chuyên nghiệp giúp con người phát triển hài hòa, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Trên thế giới, nghề CTXH đã có từ cuối thế kỷ 19, nhưng ở VN còn khá mới mẻ. Mặc dù những việc làm liên quan đến nghề CTXH như phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã có từ năm 1987, đến nay, VN vẫn chưa thống nhất trong việc đào tạo và phối hợp thực hiện giữa các bên liên quan.

      Nói đến nghề CTXH nhiều người nghĩ đến ngành y tế, LĐTBXH hoặc giáo dục. PGS_TS Trần Trọng Hải- Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng VN- cho biết: “Ngành phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại VN cũng như nghề CTXH có ở VN từ năm 1987, nhưng đến giờ chưa có sự phối hợp thực hiện chuyên nghiệp của các ngành. Điều này khiến hiệu quả của hoạt động chưa cao. Các bên nên ngồi lại với nhau để có sự hợp tác và trao đổi về kinh nghiệm và kỹ năng trong công việc”.

      Ông Nguyễn Văn Hồi - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cũng cho rằng, việc phát triển nghề CTXH không chỉ của một ngành nào mà cần sự phối hợp của các ngành, trong đó y tế, giáo dục, LĐTBXH là ba ngành đóng vai trò quan trọng nhất.

   Đào tạo thêm gần 30.000 nhân viên

      Mục tiêu của đề án phát triển nghề CTXH đến năm 2020 do Chính phủ phê duyệt, VN sẽ có khoảng 60.000 cán bộ, NV CTXH, tăng thêm gần 30.000 NV so với hiện nay. PGS_TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: Hiện, trên cả nước gần 40 trường ĐH, CĐ đào tạo về nghề CTXH, nhưng nhiều trường chỉ dừng ở môn học, chưa có chuyên khoa.

      Việc Chính phủ coi CTXH là một nghề sẽ khuyến khích các trường mở thêm ngành này và kéo nhiều người theo học. Cũng theo đề án, trong 10 năm tới, chương trình đào tạo cán bộ, NV CTXH sẽ có từ bậc sơ cấp, trung cấp đến CĐ, ĐH và sau ĐH với khoảng 60.000 người, làm việc tại các cơ sở y tế, các TT bảo trợ xã hội, các tổ chức giáo dục và phi chính phủ.


    Với lực lượng đông đảo và được đào tạo cơ bản, đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH thời gian tới sẽ đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng của xã hội.

 

Đàm Anh
 

Nguồn: laodong.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875956

TRUY CẬP HÔM NAY: 999

ĐANG ONLINE: 12