Thị trường lao động TP.HCM


Ngày 30.09.2009 Giờ 16:57

Quý 4, cần 110.000 lao động

SGTT - Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TP.HCM cho biết, nhu cầu nhân lực trong những tháng cuối năm 2009 sẽ tăng đột biến. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 10.000 doanh nghiệp cần tuyển tổng cộng khoảng 110.000 lao động.

Nhu cầu tuyển dụng cuối năm rất lớn nhưng dự báo khả năng đáp ứng sẽ không cao. Ảnh: Lê Hồng Thái

Do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang trong quá trình hồi phục và phát triển, nên nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới sẽ đa dạng ngành nghề. Tuy nhiên, điểm khác biệt về nhu cầu tuyển dụng so với chín tháng trước và năm 2008 là cơ cấu lao động.

Chỉ 30% lao động phổ thông

Qua phân tích yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chuyển tới hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm, các trường đào tạo nghề, các mạng thông tin việc làm, cơ cấu tuyển dụng thời gian tới sẽ không mang lại nhiều cơ hội cho lao động phổ thông. Cụ thể: nhu cầu lao động có trình độ chuyên môn cao chiếm tỷ lệ 20%, lao động lành nghề 20%, lao động mới qua đào tạo nghề 30% và lao động phổ thông chỉ chiếm 30%.

Theo tiến sĩ Lê Thị Thuý Loan, tổng giám đốc công ty tư vấn nhân lực Loan Lê, sự thay đổi trong cơ cấu tuyển dụng theo hướng ưu tiên cho lao động có trình độ, tay nghề diễn ra vào thời điểm cuối năm nay là hợp lý. Bởi do ảnh hưởng của thời gian suy thoái, nhiều doanh nghiệp đã để phần lớn lực lượng lao động kỹ thuật ra đi vì không đáp ứng nổi yêu cầu về tiền lương. Tình hình này xảy ra phổ biến ở phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn có nền tảng tài chính vững mạnh đã “dang rộng vòng tay” mời gọi lực lượng lao động chất lượng cao. Hiện phần lớn lao động trung – cao cấp đã có chỗ làm mới khá ổn định. Đến giờ, khi suy thoái dần qua đi, kinh tế có dấu hiệu phục hồi, lượng đơn đặt hàng dồn dập đổ về, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thấy “thấm đòn” vì thiếu nhân lực kỹ thuật, phải “chạy đôn chạy đáo” đi tìm người. Bà Loan cho biết, mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều đưa ra mức lương khá cao để “chiêu dụ” nhân tài, nhưng không nhiều ứng viên đáp ứng được yêu cầu.

Tương tự, với lực lượng lao động trực tiếp sản xuất, các doanh nghiệp lớn cũng đã kịp thu hút những lao động có tay nghề trước đây bị các doanh nghiệp nhỏ thải ra. Kết quả những cuộc khảo sát không chính thức tại các doanh nghiệp gần đây cho thấy, chất lượng lao động tại các doanh nghiệp lớn cao hơn hẳn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tương quan khoảng 70% lao động có nghề, so với chỉ 30% ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính vì thế, các chuyên gia thị trường lao động đều cho rằng, đây chính là thời điểm mà các doanh nghiệp lớn, ổn định trong chính sách nhân sự chứng tỏ sức mạnh tạo những lợi thế rõ rệt nhằm loại bỏ những đối thủ yếu hơn trong cuộc cạnh tranh.

Khó đáp ứng nhu cầu

Một con số đáng lưu ý là trong tổng nhu cầu 110.000 lao động, có khoảng 50.000 chỗ làm ổn định, còn lại 60.000 là việc làm mang tính thời vụ. So với những năm trước, nhu cầu tuyển lao động kỹ thuật cuối năm nay tăng đột biến, tập trung vào một số ngành nghề đòi hỏi tính chuyên môn cao, như: kỹ thuật điện, vận hành điện, sản xuất đồ điện; điện lạnh, điện tử, bán hàng đồ điện; kỹ thuật xây dựng, công nhân xây dựng công trình; sản xuất đồ gỗ, trang trí nội thất; dịch vụ tài chính; các chức danh quản lý…

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, việc gia tăng tuyển dụng lao động kỹ thuật và quản lý vào thời điểm cuối năm là điều trái quy luật. Mặc dù số lượng ứng viên không ít, nhưng các doanh nghiệp sẽ phải giải được hai bài toán hóc búa: thứ nhất, phải lựa chọn được những ứng viên phù hợp với nhu cầu; thứ hai, phải có chính sách ưu việt đáp ứng được yêu cầu của người lao động, nhất là về tiền lương và chế độ phúc lợi. Với “bài toán” thứ nhất, các doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn, khi những ứng viên “cứng cựa” đều đã có chỗ làm ổn định. Số đang tìm việc hầu hết là những người chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa khẳng định được uy tín nghề nghiệp. Với “bài toán” thứ hai, trong khi tốc độ tăng lương trong xu hướng “giảm nhịp” (năm 2009 chỉ tăng 16,4%, so với năm 2008 tăng gần 20%, trong khi chế độ phúc lợi giảm chỉ còn 7% so với 16% năm trước – theo báo cáo khảo sát lương của Navigos Group), liệu có doanh nghiệp nào dám “liều lĩnh” tung tiền lương “bom tấn” để thu hút nhân lực?

Mặt khác, ngay chính lực lượng lao động cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt để tìm cho mình một công việc phù hợp. Lực lượng lao động trong nước vẫn sẽ phải tiếp tục cạnh tranh với lao động nước ngoài, nhất là lao động đến từ các nước châu Á, vốn không đòi hỏi tiền lương quá cao nhưng lại có trình độ chuyên môn và các kỹ năng tốt hơn so với lao động nội địa.

Hải Việt (Báo sgtt)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024707107

TRUY CẬP HÔM NAY: 11781

ĐANG ONLINE: 111