BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP: ĐÓNG VÀ HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO


 
      Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Xung quanh nội dung này, chiều qua 3.2, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa đã dành cho PV Thanh Niên cuộc phỏng vấn.
 

   * Thưa ông, người thất nghiệp được hiểu chính xác như thế nào?

         - Nếu người đó có đủ điều kiện như quy định (đóng BHTN đủ từ 12 tháng trở lên, đã đăng ký thất nghiệp với BHXH và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày đăng ký...) và việc xin chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đó đúng pháp luật thì có thể làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Ở đây cần phân biệt giữa người bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật với người bỏ việc. Nếu tự ý bỏ việc thì sẽ không đủ điều kiện hưởng BHTN, bởi vì khoản 3.2 của Thông tư 04 quy định cụ thể hồ sơ hưởng BHTN gồm: bản sao HĐLĐ đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ (hoặc xác nhận của đơn vị sử dụng lao động trước khi thất nghiệp về việc chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật).

   * Thưa ông, trường hợp người hết thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp (tối đa) theo quy định nhưng vẫn chưa tìm được việc làm thì sao?

         - Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng BHTN. Ví dụ, nếu đóng đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp (mức trợ cấp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc); 6 tháng nếu có đủ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 đến dưới 144 tháng đóng BHTN và 12 tháng nếu có đủ từ 144 tháng đóng BHTN trở lên. Thông tư 04 cũng đồng thời quy định thời gian người lao động được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm "không quá tổng thời gian mà người lao động đó được hưởng trợ cấp theo quy định". Điều này cũng khuyến khích các trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động vì mọi chi phí đều do BHXH chi trả.

   * Thưa ông, hiện nay việc giới thiệu việc làm có rất nhiều nguồn, không phải chỉ có các trung tâm của Nhà nước như quy định, vậy làm thế nào để biết một người thất nghiệp đã có việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp?

         - Đúng, đây là vấn đề khó khăn vì hệ thống thông tin thị trường của chúng ta chưa minh bạch, nhu cầu thị trường có nhiều uẩn khúc. Rất có thể có chuyện một người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm mới mà cơ quan quản lý không biết. Chúng ta đang xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động điện tử và sẽ dần từng bước minh bạch hóa thị trường này.

   * Theo Thông tư 04 thì người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có 2 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu mà không có lý do chính đáng. Hiểu thế nào là lý do chính đáng, thưa ông?

         - Cũng theo quy định của Thông tư 04, việc hỗ trợ tìm việc làm phải đảm bảo phù hợp với trình độ đào tạo, kinh nghiệm làm việc của người lao động, nếu không đúng như vậy người lao động có quyền từ chối không nhận việc. Ngoài ra, đúng là cũng cần làm rõ thêm các lý do chính đáng khác nữa để hướng dẫn cho cụ thể.

   * Thưa ông, trốn đóng BHXH vẫn đang là vấn đề khó giải quyết. Giờ chúng ta giải quyết thế nào trong trường hợp doanh nghiệp trốn luôn đóng BHTN?

         - Thứ nhất, tôi đã từng nói văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cần được nâng cao. Thứ hai, quản lý Nhà nước phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thêm nữa là phải có những chế tài cụ thể và thậm chí là nặng hơn nữa.

* Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của người tham gia BHTN và trích 1% tiền lương tháng của người lao động đóng BHTN để đóng cùng lúc vào quỹ BHTN. (Khoản 2.1 thông tư 04)

* Người lao động có mức tiền lương, tiền công tháng cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN được tính bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hiện là 540.000 đồng/tháng; tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN tối đa bằng 10.800.000 đồng/tháng). Khi mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh thì mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm cũng thay đổi theo. Ví dụ: ông Hoàng Văn Huy làm việc tại công ty X tại thời điểm tháng 2.2009 có mức lương là 13.600.000 đồng/tháng. Trường hợp này tiền lương tháng đóng BHTN của ông Huy là 10.800.000 đồng/tháng. (Khoản 2.2 Thông tư 04)

* Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ, người lao động phải trực tiếp đến Phòng LĐ-TB-XH cấp huyện nơi đang làm việc để đăng ký. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, vào ngày 15 hằng tháng, người thất nghiệp phải trực tiếp đến Phòng LĐ-TB-XH cấp huyện nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thông báo về việc tìm kiếm việc. (Khoản 3.5 Thông tư 04)

 An Nguyên - Tây Giang

Nguồn: thanhnien.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024935530

TRUY CẬP HÔM NAY: 848

ĐANG ONLINE: 16