ĐA NĂNG THẮNG CHUYÊN NGHIỆP?


Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp có xu hướng giảm dần số nhân viên, lao động trong công ty, thay vào đó những người còn lại sẽ phải kiêm nhiệm thêm một số công việc khác, ở những vị trí khác nhau mà vẫn bảo đảm được năng suất và chất lượng công việc.

Đa năng thắng chuyên nghiệp?

Thị trường lao động ứng phó với tình hình mới

 

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp có xu hướng giảm dần số nhân viên, lao động trong công ty, thay vào đó những người còn lại sẽ phải kiêm nhiệm thêm một số công việc khác, ở những vị trí khác nhau mà vẫn bảo đảm được năng suất và chất lượng công việc.

                                                                                                    XUÂN NGHI

 

Trên thực tế, nhiều DN tuyển dụng cho đây là giải pháp tình thế, vì dù sao người có “lắm” tay nghề cũng không thể vượt qua được người có chuyên môn sâu. Nhưng trước tình hình hiện tại, đây được xem là giải pháp khả thi và khá hữu hiệu.

Cái khó ló…đa năng!

Thời gian gần đây, người ta dễ bắt gặp các mẩu thông báo, quảng cáo trên các trang mục tuyển dụng trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, hay trên các banderole tuyển dụng trước cổng một số công ty, doanh nghiệp. Đại loại: Cần tuyển một kế toán trưởng có khả năng kiêm nhiệm đối ngoại hoặc quản lý nhân sự; cần tuyển một kỹ thuật viên đồ họa có nhiều kinh nghiệm và có thể kiêm nhiệm phụ trách IT cho công ty; cần tuyển kỹ sư công trình có kinh nghiệm chạy vật tư,…

Theo bà Lê Thị Thúy Loan, Tổng giám đốc Cty TNHH tư vấn nhân sự Loan Lê, thì những yêu cầu tuyển dụng nhân sự có khả năng đảm nhiệm nhiều vị trí công việc gần đây có xu hướng tăng mạnh. Điều kiện tuyển dụng cũng nêu rõ, người lao động sẽ chỉ được hưởng lương cho công việc chính, các công việc kiêm nhiệm được trả phụ cấp trách nhiệm, nhưng phần lớn chỉ ở mức… tượng trưng. Có thể hình dung, một người có thể đảm trách phần việc của 3 - 4 người theo mô hình bộ máy nhân sự trước đây, nhưng tổng thu nhập chưa bằng 1,5 người. Bà Phương Trang, Giám đốc nhân sự Cty TNHH TOWA Vietnam lý giải vấn đề này: Cty yêu cầu một ứng viên có khả năng kiêm nhiệm trước hết là vì giảm chi phí tiền lương cho DN; thứ đến có thể huy động tối đa năng lực làm việc của nhân sự đó, do thời điểm hiện tại hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ mang tính cầm chừng, không ráo riết như trước đây và vì vậy thời gian “nhàn rỗi” của nhân sự sẽ nhiều hơn trước.

Có quá tham lam không khi nhà tuyển dụng đòi hỏi một ứng viên dự tuyển hay người lao động phải vừa chuyên nghiệp lại vừa đa năng? Vì lẽ thường, đã đa năng thì khó có thể có chuyên nghiệp và ngược lại. Vậy có gì là mâu thuẫn giữa đa năng và chuyên nghiệp? Anh Hồng Thành, phụ trách tư vấn PR của một cty PR tại Tp.HCM, chia sẻ: “PR là một công việc đặc thù đòi hỏi không những chuyên môn sâu mà còn phải học hỏi, mở rộng thêm nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngoại giao, quản trị DN, quản lý dự án, kể cả báo chí,…Tôi đang vừa làm việc vừa phải học thêm các khóa đào tạo này để có thể hỗ trợ tốt hơn cho chuyên môn nghiệp vụ của mình. Hiện tại, tôi chưa có ý định học nhiều lĩnh vực để…chạy việc, nhưng là để bổ trợ cho chuyên môn của tôi là làm PR”.

Đa năng vẫn phải chuyên sâu

“Hoàn toàn không có mẫu người lao động vừa đa năng lại vừa có tính chuyên sâu trong công việc mà họ thực hiện”. Chuyên gia về lao động Trần Anh Tuấn khẳng định như vậy. Hiện nay, thị trường lao động Tp.HCM đang tồn tại 2 “luồng” quan điểm trái ngược nhau ở các DN khi tuyển dụng lao động; trong khi nhóm thứ nhất ưu tiên chọn người lao động giỏi chuyên môn, thì nhóm thứ 2 cho rằng người lao động cần phải đa năng, làm được cùng lúc nhiều việc. Về vấn đề này, theo ông Tuấn đang là một thực tại khách quan do chịu tác động mạnh của tình hình kinh tế suy thoái; cần chấp nhận ở một mức độ nhất định trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, DN tuyển dụng và ưu tiên người lao động có chuyên môn cao là những DN đang hoạt động ổn định và có uy tín trên thị trường; trong khi việc ưu tiên chọn người lao động đa năng là những DN có quy mô nhỏ, đang gặp khó khăn và muốn tiết giảm chi phí. Là một chuyên gia có thâm niên hơn 30 năm về thị trường lao động, ông Tuấn cho rằng không thể chối bỏ thực tế này, vì dù sao đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa 2 trào lưu trên thị trường, đó là lao động bình thường (cần đa năng) và lao động chất xám (cần chuyên sâu). Tuy nhiên, ông nhắc nhở: “Nếu người lao động đa năng xem đây là điều kiện hay cơ hội để thăng tiến và phát triển thì không hẳn. Bởi vì trong thâm tâm, người đa năng thừa biết mình vẫn không đồng tình với chính công việc của mình, nhưng vì thời thế buộc phải chấp nhận. Đến một lúc nào đó đã ổn định, người lao động chắc chăn sẽ quay trở về với chuyên môn nghiệp vụ của mình”.

Không nên hiểu “đa năng” là việc gì cũng làm được, việc gì cũng hoàn thành tốt được; ngược lại không phải “chuyên nghiệp, chuyên sâu” là chỉ giỏi chỉ mỗi công việc của mình mà “không biết gì” những công việc khác. Sự đa năng mà nhiều nhà tuyển dụng trong nước đang đòi hỏi là khả năng xử lý công việc trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng tất cả đều phải đảm bảo chất lượng, theo tiêu chuẩn của một nhân sự chuyên nghiệp. Muốn đáp ứng được những tiêu chuẩn ấy, người lao động không chỉ dựa hoàn toàn vào kiến thức được đào tạo trong nhà trường, mà còn phải tìm cách tự bổ sung kiến thức, kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời không ngừng rèn luyện khả năng ứng xử, thái độ, tác phong làm việc. Bà Nguyễn Thị Diệu, Giám Công ty kiểm toán ABB thì phân tích: “Đối với các cty trong nước vừa và nhỏ, nhân sự ít, chưa có quy trình, quy chế hẳn hòi thì đa năng là số một. Nhưng đối với các cty lớn, có hệ thống quản lý tốt, quy trình hoạt động rõ ràng thì chuyên môn cao là một đòi hỏi bắt buộc, vì đó là xu thế chung của thời đại”.

Thực tế, cũng có số ít người lao động đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo ấy. Nhưng rõ ràng việc “ép” một nhân sự đảm nhiệm công việc của nhiều người là chuyện “cực chẳng đã”, khi tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. “Mặc dù “đa năng” đang có chiều hướng “thắng” chuyên nghiệp, nhưng nhất định đó không phải là xu thế chung. Chúng ta ủng hộ tính đa năng trong thời kỳ suy thoái kinh tế mà thôi. Cần phải nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này để định hướng cho người lao động, nếu không sẽ xảy ra các tranh chấp về chính sách sau này”. Chuyên gia Trần Anh Tuấn nhấn mạnh như vậy.

 

(Nguồn: Thời Báo Kinh Tế Việt Nam)

                                                                                                            Lao động việc làm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723663

TRUY CẬP HÔM NAY: 8348

ĐANG ONLINE: 18