Thị trường lao động sau năm 2010: Sẽ không có ngành, nghề nào “hot”, “dễ ăn”


Dựa trên các kết quả khảo sát, phân tích, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM nhận xét như trên. Theo ông, giới lao động trẻ phải chọn ngành học phù hợp năng lực, sức khỏe, sở trường và phù hợp nhu cầu xã hội.
 
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thị trường lao động trong những năm tới?
 

Ông Trần Anh Tuấn: Sau giai đoạn suy giảm kinh tế, các DN tại VN đang trong quá trình hồi phục nhanh chóng. Nhu cầu tuyển dụng lao động của DN tới đây dự báo sẽ gia tăng mạnh và đa dạng. Tuy nhiên, theo tôi, giá nhân công của thị trường lao động - dù kể từ 1-1-2011 áp dụng mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo vùng - sẽ vẫn chưa thỏa mãn được giá trị sức lao động và chi tiêu, nhất là đối với những người làm công việc sản xuất gia công, lao động phổ thông, giản đơn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng lao động trong các DN vừa thiếu lại vừa thừa. Hệ quả của nó còn khiến lực lượng lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, lao động cá thể, tự tạo việc làm (không vào làm trong doanh nghiệp) vẫn chiếm số lượng lớn trên 40% nguồn nhân lực. Trong khi đó, mức độ dịch chuyển lao động, thay thế chỗ làm việc ở các địa phương, điển hình như TPHCM sẽ luôn diễn ra ở mức độ cao, dự kiến từ 25% đến 30% trong tổng số lao động làm việc hàng năm.

 

Phóng viên: Theo ông, loại lao động nào sẽ thực sự thiếu trên thị trường lao động?

 

Ông Trần Anh Tuấn: Trong tình hình mang tính dự báo trên, tôi cho rằng, nổi cộm nhất của thị trường lao động những năm tới đó là nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đủ đáp ứng thị trường lao động. Điều này cũng đồng nghĩa, một bộ phận nhân lực phải thất nghiệp và khó tìm được việc làm ổn định nếu chưa đủ điều kiện nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi thực tế thị trường lao động.

 

Nhìn chung, xu hướng tuyển dụng tới đây, người chọn đúng nghề và có kỹ năng nghề sẽ có nhiều cơ hội việc làm và dễ tìm việc, mau thăng tiến, bởi phù hợp với xu hướng đổi mới công nghệ, quản lý của DN và yêu cầu của thị trường lao động.

 

Phóng viên: Giới lao động trẻ hiện nay thích chọn nghề "hot", chọn nghề theo phong trào. Thực sự thì những nghề nào được xem là "hot", thưa ông?

 

Ông Trần Anh Tuấn: Việc chọn ngành nghề học phù hợp với bản thân, đồng thời đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, yêu cầu của nền kinh tế là rất cần thiết đối với giới trẻ, sinh viên - học sinh. Tuy thế đây là điều mà giới trẻ còn rất lúng túng, đa số chỉ chọn nghề vì cho rằng nó "hot", hoặc "dễ ăn"...

 

Theo tôi, sẽ không có ngành, nghề nào được xem là "hot" hoặc "lên ngôi" trong những năm tới. Bởi sau năm 2010 và những năm sắp tới, cùng với nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực.

 

Phóng viên: Vậy theo ông, giới trẻ nên bắt đầu từ đâu khi bắt đầu tham gia vào thị trường lao động?

 

Ông Trần Anh Tuấn: Để không phải lúng túng và có sự đầu tư tốt cho nghề nghiệp về sau, giới trẻ cần tìm hiểu để có những hiểu biết nhất định về thị trường lao động, về nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo, tuyển dụng... Vấn đề mấu chốt là mỗi người phải xác định được tâm huyết theo sở trường cá nhân, chọn ngành học phù hợp năng lực, sức khỏe, sở trường và phù hợp nhu cầu xã hội.

 

Những năm tới đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẽ phát triển năng động hơn, tăng quy mô và quan tâm hơn đến chính sách phát triển nhân lực. Đây là môi trường phù hợp với đa số người lao động là sinh viên, học sinh mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề. Hãy bắt đầu từ môi trường này, đó là sự lựa chọn phù hợp nhất để rèn năng lực, tăng chuyên môn, làm đà cho phát triển nghề nghiệp về sau.

 

(Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP HCM)

 

Nguồn: cms.vieclambank.com

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877888

TRUY CẬP HÔM NAY: 126

ĐANG ONLINE: 9