Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn


Vietnam.vn: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chính sách nhằm thực hiện công bằng xã hội về học nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Từ khi thực hiện Đề án 1956 đến nay, đã có trên 889.000 lao động nông thôn được học nghề, góp phần giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, việc đào tạo lao động nông thôn còn chạy theo số lượng mà chưa coi trọng chất lượng.
 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chính sách nhằm thực hiện công bằng xã hội về học nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.

Đề án 1956, đề án lớn nhất trong lĩnh vực đào tạo nghề 

Ngày 5-8-2008, Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-T.Ư về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết Tam nông). Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong nghị quyết là giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm hài hòa giữa các vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị.


Đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, chuyển một bộ phận lao động
nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ


Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, ngày 28-10-2008, Chính phủ ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó mục tiêu tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng lên 2,5 lần.

Hiện ở nông thôn, lao động có việc làm và kỹ năng chuyên môn chỉ chiếm 16,8%, còn lại 83,2% là lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ kỹ thuật chuyên môn.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung không hề dễ dàng. Bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có sự chênh lệch lớn giữa các vùng: (đồng bằng sông Hồng: 19,4%; đồng bằng sông Cửu Long: 17,9%; Tây Bắc: 8,3%). Trình độ chuyên môn của người học sau khóa học còn hạn chế, chưa hình thành được một đội ngũ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng với yêu cầu thị trường và hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại.

Mạng lưới cơ sở dạy nghề nói chung tuy đã phát triển nhưng lại tập trung chủ yếu ở vùng đô thị. Ở khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu vùng xa, số lượng cơ sở dạy nghề rất ít.

Cả nước còn hơn 200 huyện chưa có trung tâm dạy nghề; nhiều phòng học và nhà xưởng thực hành là nhà cấp 4, nhà tạm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh khó khăn, huyện nghèo. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn còn thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, chất lượng còn hạn chế.

Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 1956).

Quyết định nêu rõ Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.

Tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước dự kiến là 25.980 tỷ đồng. Có thể nói đây là đề án lớn nhất trong lĩnh vực đào tạo nghề từ trước đến nay, nhiều cả về nội dung, lớn cả về quy mô kinh phí để thực hiện.

Hơn  889.000 lao động nông thôn được học nghề

Chiều 7/9, Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) đã tổ chức giao ban trực tuyến toàn quốc tới các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.


Trên 889.000 lao động nông thôn được học nghề, góp phần xóa đói giảm nghèo


Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956, từ năm 2010 đến nay, đã có trên 889.000 lao động nông thôn được học nghề, trong đó gần 650.000 người có việc làm đúng với nghề đào tạo. Các lao động kiếm được việc làm đã giúp trên 23.500 hộ thoát nghèo; hơn 15.600 hộ trở thành hộ khá.

Các địa phương cũng đã chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trên 9.600 cán bộ công chức cấp xã, nâng tổng số cán bộ công chức được đào tạo, bồi dưỡng ở 51 địa phương khi thực hiện đề án lên hơn 80.000 người.

Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 883 giáo việc dạy sơ cấp nghề, nâng tổng số giáo viên dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm dạy nghề lên trên 7.000 người; bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho gần 2.000 người dạy nghề, nâng tổng số người dạy nghề được bồi dưỡng kỹ năng dạy học là trên 6.700 người.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2012 còn thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt. Chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề cho 500.000 lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng 100.000 cán bộ, công chức cấp xã trong năm 2012 có nhiều khả năng không thực hiện được.

Việc bố trí ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực để thực hiện các chính sách, hoạt động của Đề án đạt rất thấp. Trong 3 năm 2010-2012, ngân sách mới bố trí được 3.860 tỷ đồng (chỉ bằng 14%) của toàn bộ kế hoạch ngân sách trong 11 năm thực hiện Đề án.

Còn chạy theo số lượng, chưa coi trọng chất lượng

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, công tác tổ chức và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm vùng và ngành kinh tế. Nhiều nơi tổ chức dạy nghề chưa gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chưa gắn với chính sách đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Việc đào tạo lao động nông thôn tại nhiều địa phương còn chạy theo số lượng mà chưa coi trọng chất lượng, chưa đạt tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề có việc làm mới hoặc làm công việc cũ với hiệu quả cao hơn, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện chế độ báo cáo, chất lượng báo cáo thực hiện Đề án còn yếu. Đến ngày 11/8/2012, còn 12 tỉnh, thành chưa có báo cáo. Trong số 51 địa phương đã có báo cáo có 20 địa phương báo cáo chưa đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.


Đang thực hiện thí điểm việc cấp thẻ học nghề
nông nghiệp cho hơn 6.600 học viên thuộc Bến Tre và Thanh Hóa


Đến nay chỉ có 75% xã thành lập Ban Chỉ đạo; 60% số huyện không có cán bộ chuyên trách thực hiện công việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; 163 huyện không có trung tâm dạy nghề cấp huyện. Những con số trên cho thấy, các cấp chính quyền tại cấp xã, huyện tại một số địa phương vẫn đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện Đề án quan trọng này.

Việc tổ chức, tuyên truyền cho lao động nông thôn chưa sát thực tế. Công tác tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm vùng, ngành kinh tế. Kết quả và chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội…

Tại Hưng Yên, mặc dù tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị có đủ năng lực dạy nghề và phân bổ nguồn kinh phí cho các trung tâm, đơn vị được giao nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn, nhưng đến thời điểm này, hầu hết các đơn vị đều mới ở giai đoạn chuẩn bị ban đầu, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc để dạy nghề gần như chưa có. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho công tác này được phân bổ rất châm…

Điều đáng nói nữa là, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ nên rất khó khăn trong công tác biên soạn chương trình, giáo trình, tổ chức giảng dạy dẫn đến chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Ngành, nghề đào tạo cũng chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người học và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, có một thực tế trong lực lượng lao động ở nông thôn hiện nay là trình độ văn hóa, tay nghề còn thấp. Theo điều tra của Chi cục Phát triển nông thôn thành phố, tại các làng nghề TP.HCM, gần 40% chủ hộ sản xuất có trình độ học vấn cấp 1, khoảng 70% chủ hộ sản xuất tại làng nghề chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kiến thức quản lý, trong khi nhóm có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 3%.

Việc dạy nghề cho lao động nông thôn TP.HCM hiện còn rất khiêm tốn. Qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, chỉ có gần 12.000 lao động nông thôn được dạy nghề là một con số thấp, trong khi số tiền ngân sách TP.HCM đầu tư cho công tác dạy nghề lao động nông thôn khoảng 4 tỷ đồng/năm.

Trước thực tế đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn quá hạn chế này, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2020 vừa được UBND TP.HCM phê duyệt trung tuần tháng 7/2012. Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2015, tỷ lệ 70% và đến năm 2020, tỷ lệ 90% lao động nông nghiệp và ngành nghề nông thôn được đào tạo nghề.

Bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nghề 

Theo PGS.TS Cao Văn Sâm- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, hiện nay, người nông dân có nhu cầu học rất nhiều ngành nghề. Nhưng theo chúng tôi, quan trọng nhất là ngành nghề đó phải phù hợp với nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế của từng địa phương. Bởi, suy cho cùng, trước hết, phải giải quyết việc làm tại chỗ, sau đó là tạo cơ hội cho những lao động nông thôn có nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch ra khỏi địa bàn, tham gia xuất khẩu lao động.

Cho nên, các nghề liên quan đến nuôi trồng các loại cây, con phù hợp với từng địa phương hiện đang sản xuất nông nghiệp vẫn là những nghề cần chúng ta ưu tiên đầu tư đào tạo. Đào tạo cho bà con cả về kiến thức, về kỹ năng lẫn thái độ nghề nghiệp để nâng cao được chất lượng sản phẩm làm ra, đáp ứng được xu hướng chuyển từ những mặt hàng tự cung tự cấp thành những mặt hàng xuất khẩu.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn
phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng


Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã triển khai thực hiện thí điểm việc cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho hai địa phương là Thanh Hóa và Bến Tre. Theo tổng hợp đến tháng 4/2012, đã tổ chức cấp thẻ cho hơn 6.600 học viên thuộc 4 huyện của hai tỉnh này.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ý tưởng của việc cấp thẻ học nghề là nhằm tạo ra một môi trường đào tạo cạnh tranh lành mạnh, giúp người học chủ động lựa chọn môi trường đào tạo. Tuy nhiên, kết quả đạt được sau 2 năm triển khai thí điểm tại Thanh Hóa và Bến Tre đang nảy sinh những vướng mắc. Có tình trạng người lao động chọn nghề chưa phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở địa phương, hiệu quả học nghề của người lao động sau đào tạo còn ở mức khiêm tốn…

Theo ông Đỗ Thế Hạnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, việc phân “đẳng cấp” thẻ học nghề theo đủ các loại thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ… khiến việc quản lí và thẩm định cho đối tượng được ưu tiên đi học là hết sức rối rắm. Đã thế, cơ chế thẩm định còn rối hơn. Danh mục các nghề nông nghiệp mới chỉ có 71 nghề, như vậy là quá ít và cứng nhắc.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị giao ban trực tuyến chiều 7/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành, địa phương, phấn đấu đến cuối năm 2012 phải có 100% cấp huyện có ít nhất 1 cơ sở dạy nghề công lập đóng vai trò nòng cốt để thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn.

Về tiến độ đào tạo nghề năm 2012 của cả nước hiện chỉ đạt trên 27%, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chỉ đạo UBND các địa phương phải bố trí cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề tại Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội cấp huyện.

“Trước mắt ở những huyện chưa bố trí được biên chế thì yêu cầu trưởng hoặc phó phòng phải thực hiện kiêm nhiệm phụ trách theo dõi về dạy nghề trên địa bàn cho tới khi sắp xếp được biên chế. Phấn đấu hoàn thành việc bố trí các ban chỉ đạo tại các xã và biên chế cán bộ phụ trách theo dõi dạy nghề cấp huyện trước ngày 30/10”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, về các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm các Bộ ngành, địa phương cần tập trung thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng. Tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề để triển khai nhân rộng, hướng dẫn các địa phương triển khai tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm sử dụng thẻ học nghề nông nghiệp tại Bến Tre và Thanh Hóa.

Về xây dựng kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2012-2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại các xây dựng kế hoạch 3 năm chi tiết để các địa phương sớm có dữ liệu để lên kế hoạch thực hiện cho địa phương mình.

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024902742

TRUY CẬP HÔM NAY: 5959

ĐANG ONLINE: 43