Nhân lực chất lượng cao: Thiếu trước, hụt sau


Những năm gần đây bộ mặt kinh tế nước nhà đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực. Sự tăng trưởng nhanh về kinh tế đã khiến điều kiện sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Góp phần vào sự tăng trưởng này chính là dựa lực lượng lao động hùng hậu. Tuy nhiên, câu chuyện nguồn nhân lực nặng về lượng, nhẹ về chất vẫn còn tồn tại. Đây sẽ lực cản của CNH, HĐH đất nước.

 
 

Nước ta vẫn còn tới 85,3% lao động
trong lực lượng lao động chưa được đào tạo
Ảnh: TL
 
Tăng về lượng, ì ạch về chất

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động tăng lên rõ rệt. Trong 5 năm (2007- 2011) đã tạo việc làm cho trên 7.955 nghìn người, trong đó tạo việc làm trong nước trên 7.536 nghìn người, xuất khẩu lao động 419 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị giảm từ 5,1% năm 2006 xuống còn 4,2% năm 2011; cơ cấu lao động có chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 55,4% năm 2006 xuống còn 48% năm 2011. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn rất nhiều điều đáng phải bàn.

Báo cáo Điều tra lao động việc làm những năm gần đây của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, dù cần nguồn lao động có hàm lượng chất xám cao là xu hướng của thời đại nhưng nước ta vẫn còn tới 85,3% lao động trong lực lượng lao động chưa được đào tạo là một thực tế đáng báo động. Đặc biệt, nước ta thiếu lao động trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý hoạch định chính sách, giáo dục, khoa học-công nghệ, kinh doanh, luật pháp. Phần lớn các nhà quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được đào tạo bài bản đã ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp...

Lý do khiến chất lượng nguồn nhân lực cứ mãi giậm chân tại chỗ là do nguồn lực đầu tư cho đào tạo còn thấp và dàn trải. Trong khi đó việc quản lý và điều phối nguồn lực tài chính quốc gia lại thiếu hiệu quả. Việc liên kết ngành kinh tế với cơ sở đào tạo, liên kết giữa các trường cao đẳng, đại học với giáo dục phổ thông, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… còn hạn chế, không huy động được sức mạnh tổng hợp của mọi nguồn lực trên khắp đất nước. Bên cạnh đó, nhận thức và tư duy phát triển nhân lực trong điều kiện kinh tế thị trường còn khá hạn chế, đôi khi lệch lạc, thiếu sự quản lý của Nhà nước. Một nguyên nhân nữa khiến nguồn nhân lực chất lượng cao cứ mãi khiêm tốn về số lượng đó là chính sách và cơ chế phát triển nhân lực không phù hợp với bối cảnh, nhu cầu thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cho rằng, hạn chế, trở ngại và thách thức lớn nhất vẫn là chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước. Hiện nay chúng ta đang thiếu đội ngũ cán bộ tham mưu hoạch định chính sách ở tầm chiến lược. TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta còn nhiều bất cập, không theo phương châm "quý hồ tinh, bất quý hồ đa” cho nên dẫn tới đội ngũ quản lý vừa thiếu lại vừa thừa. Thiếu người có năng lực thật sự và thừa những người trình độ làng nhàng chờ đến hẹn lại lên lương.

Lời giải còn bỏ ngỏ

Hơn bao giờ hết trong giai đoạn chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới cũng như đối mặt với những thách thức do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc cần phải làm ngay. Muốn nâng chất nguồn nhân lực, trước hết cần ban hành những cơ chế hữu hiệu để khuyến khích tăng tốc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thiếu tướng PGS.TS Lê Văn Cương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam nhấn mạnh. Góp ý cho việc sử dụng người giỏi ở những vị trí chủ chốt của đất nước, TS Thanh cho rằng: Đảng và Nhà nước nên tạo điều kiện, hướng cho cán bộ, công chức phấn đấu theo con đường chuyên môn trở thành chuyên gia (vốn là con đường rộng rãi), không nên tạo ra xu thế chạy theo con đường quan chức (vốn là con đường chật hẹp do cấu trúc bộ máy quy định) bằng các chính sách hợp lý (không hạ thấp tiêu chuẩn lãnh đạo - quản lý; phải trả lương đúng với trình độ và kết quả công việc của cán bộ, cần có chính sách nhà đất khuyến khích hợp lý...).

Về phát triển nguồn nhân lực của đất nước, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, cần dựa trên các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cần gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt cần có cơ chế thu hút, sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cũng cần phải phát triển hệ thống dạy nghề theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa, xã hội hóa và hội nhập khu vực, quốc tế. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hiệu quả dạy nghề, đầu tư các ngành nghề trọng điểm để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành kinh tế.


Cuối cùng, để đáp ứng được yêu cầu hội nhập về lĩnh vực lao động, việc làm, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, và các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, hơn bao giờ hết, người lao động phải thể hiện được sự nỗ lực không ngừng về trình độ chuyên môn, tay nghề vì khi tham gia hội nhập đồng thời phải chấp nhận cả tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động.

 

Nguồn: vieclamvietnam.gov.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024865523

TRUY CẬP HÔM NAY: 3689

ĐANG ONLINE: 24