TP HCM: Phát triển nguồn nhân lực cần gắn kết chất lượng hướng nghiệp-đào tạo-việc làm


(ĐCSVN) – TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 20% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm. Trong tổng số 80% tìm được việc làm, ½ số đó lại làm việc không phù hợp năng lực và sự phát triển. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có sự gắn kết giữa hướng nghiệp-đào tạo-việc làm chặt chẽ hơn nữa để xây dựng nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố.

 

 GS.TS Võ Văn Tới, trường  Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang tư vấn cho phụ huynh học sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh năm 2011
(Ảnh: Hoàng Thạch Vân)

Lý giải về tình trạng nhiều trường hợp thất nghiệp hiện nay, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh cho rằng có 2 nguyên nhân cơ bản: thứ nhất là do có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp ngành nghề đã được đào tạo; thứ hai là do số lượng chỗ làm việc nhiều nhưng nhiều người tìm việc làm không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó. Như vậy, trường hợp thứ nhất tồn tại về “thiếu hụt chỗ làm việc”, trường hợp thứ hai về “không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực”.

 

Ông Tuấn nhận định, nguyên nhân thất nghiệp cốt lõi là vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế kinh tế - xã hội.

 

Những năm gần đây, ở TP.Hồ Chí Minh, hoạt động hướng nghiệp đang phát triển đa dạng, năng động, nhiều hình thức, phương pháp. Song song với việc nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, Thành phố cũng đã chú ý tới công tác xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, thông tin nghề nghiệp – việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo, phát triển hệ thống tư vấn kỹ năng tìm việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố nên đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng hướng nghiệp hơn nữa đồng thời gắn chặt hướng nghiệp với đào tạo và việc làm để có nguồn nhân lực chất lượng cao và giảm tỷ lệ người thất nghiệp.

 

Ông Trần Anh Tuấn cho biết, qua khảo sát, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết tốt về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học. Tư vấn hướng nghiệp là một công đoạn quan trọng trong công tác hướng nghiệp, là hoạt động giúp cho học sinh-sinh viên-người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp (định hướng hoặc tìm chọn chuyển nghề) trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân và nắm được định hướng phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu nhân lực của địa phương, đất nước trong từng thời kỳ.

 

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên, học sinh khi ra trường chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng mềm, nhiều người chưa biết cách tìm hiểu việc làm phù hợp với năng lực, chưa biết cách làm bộ hồ sơ xin việc, tham gia phỏng vấn tuyển dụng.

 

Thực tế thị trường lao động đã minh chứng, khi người thanh niên chính thức bước vào thị trường lao động, trình độ và cấp bậc học (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, hay Sơ cấp) chỉ là phần cơ bản của nghề, quan trọng là mỗi thanh niên phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão làm việc và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Để phát triển nghề nghiệp, mỗi người phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp, ông Tuấn nhấn mạnh.

 

Quay lại với vấn đề hướng nghiệp cho học sinh-sinh viên, ông Tuấn chia sẻ, kinh nghiệm cho thấy để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả cao, phải có sự kết hợp đồng bộ của 6 đối tượng: Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo và lao động – việc làm; Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; Các cơ quan nghiên cứu dự báo nguồn nhân lực và nghề nghiệp; Các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở; Các cơ quan thông tin báo đài và Phụ huynh, học sinh.

 

Công tác hướng nghiệp cần được xác định đối với học sinh đang học các lớp trung học phổ thông và cần mở rộng đối với học sinh trung học cơ sở vì nhiều em sẽ không chuyển tiếp cấp THPT mà chuyển sang học nghề sơ cấp hoặc trung cấp. Để tạo nguồn đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, chúng ta phải làm tốt công tác hướng nghiệp. Đây là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và các Ngành, các cấp đặt biệt quan tâm.

 

Theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, mỗi năm, Thành phố có nhu cầu trên 250.000 chỗ làm việc trống, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới. Với những giải pháp mà Thành phố đang triển khai, học sinh, sinh viên, người lao động sẽ tìm được cho mình 1 công việc phù hợp, phát huy hết năng lực, trình độ, để có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế -xã hội của Thành phố.

Các từ khóa theo tin:

VL

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024867472

TRUY CẬP HÔM NAY: 350

ĐANG ONLINE: 112