Doanh nghiệp “tái cơ cấu” nguồn nhân lực trong khó khăn


 

Tại Diễn đàn “Quản trị nhân sự trong giai đoạn khó khăn” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 28/3, nhiều doanh nhân đã chia sẻ những “chiêu” tái cơ cấu nguồn nhân lực trong doanh nghiệp mình.

Chọn hình thức đào tạo phù hợp

Việc hàng chục ngàn doanh nghiệp bị đóng cửa trong thời gian qua được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Thái Hà Books coi là cơ hội tuyệt vời để công ty có thể tuyển chọn được nhân sự tốt: “Trong thời gian khủng hoảng, Thái Hà Books thực sự quá tải về đơn xin việc. Như vậy, đây là cơ hội vàng để chúng tôi lựa chọn nhân sự”.

Với ông Lương Hà, Giám đốc Công ty sự kiện và truyền thông Say Cheese (TP.HCM), thời kỳ khủng hoảng là một giai đoạn “thấp điểm” trong kinh doanh nhưng lại là giai đoạn “cao điểm” để đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên. “Thoạt nghe thì vô lý. Bởi lẽ, trong điều kiện khó khăn về kinh tế, doanh nghiệp nào cũng phải thắt lưng buộc bụng, thậm chí phải cắt giảm nhân sự và những chi phí liên quan đến nhân sự. Nhưng, lúc DN khó khăn càng cần đầu tư mạnh hơn cho đào tạo nhân sự. Bởi, chất lượng nhân sự nâng cao mới giúp DN vượt qua khó khăn”, ông Lương Hà nêu quan điểm.
 

Các doanh nghiệp luôn cần các nhân viên có trình độ chuyên môn cao đem lại hiệu quả trong công việc. Ảnh: Lê Phú

Ông Hà Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thời trang Thiên Quang cũng tâm niệm: “Khủng hoảng đi liền khó khăn. Nhưng khủng hoảng cũng là cơ hội để doanh nghiệp ổn định hệ thống nhân sự. Nếu chuẩn bị nhân sự tốt, doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn rất nhanh khi kinh tế phục hồi”.

Điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp cần lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp. Việc đào tạo nội bộ với đội ngũ giảng viên là những nhà quản lý và những nhân viên làm việc hiệu quả là cách làm thành công mà Công ty Say Cheese áp dụng thời gian qua. Những nội dung đào tạo gồm: kỹ năng tin học văn phòng và khắc phục sự cố máy tính, đào tạo kỹ năng mềm có ích cho công việc…

Một cách làm được Vietnamworks đang thực hiện là tổ chức chương trình đào tạo, huấn luyện cho nhân viên nữ mang tên “Vietnam Works girl”. Để có được chứng chỉ này, những nữ nhân viên bán hàng được đào tạo trong 18 tháng. Mục đích cuối cùng là để họ phục vụ khách hàng tốt hơn.

Nhiều chế độ đãi ngộ nhân viên

Ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc kinh doanh toàn quốc Vietnamworks chia sẻ cách giữ chân nhân viên ở doanh nghiệp mình: “Dọc theo hành lang lối đi, chúng tôi để cuốn nhật ký thành công. Đây là nơi để các nhân viên chia sẻ những kinh nghiệm họ đã vượt qua khó khăn và trở ngại để thành công. Những nhân viên mới vào sẽ nhìn thấy họ được công ty tôn trọng như thế nào. Điều này rất quan trọng để khích lệ tinh thần làm việc của mọi người”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Trong lúc khủng hoảng, lãnh đạo doanh nghiệp nên gần gũi nhân viên. Nên tăng sự khen ngợi”.

Tăng lương là cách truyền thống để khuyến khích nhân viên, nhưng theo Giám đốc kinh doanh toàn quốc Vietnamworks, không nhất thiết là phải nâng lương quá nhiều. “Phần thưởng của doanh nghiệp có thể là vật chất hoặc tinh thần. Sự bắt tay của tổng giám đốc dành cho một nhân viên làm tốt công việc; việc dành cho nhân viên xuất sắc nhất một chỗ để xe máy trang trọng nhất trong vòng 1 tháng cũng mang lại rất nhiều hiệu quả”, ông Trọng nêu ví dụ tại công ty mình.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khó khăn sẽ ươm mầm cơ hội. Những doanh nghiệp biết tái cơ cấu lại nguồn nhân lực sẽ tìm kiếm được nhiều thành công hơn khi nền kinh tế đi vào ổn định.


Mạnh Minh

 

Nguồn http://baotintuc.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024905261

TRUY CẬP HÔM NAY: 12111

ĐANG ONLINE: 19