PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2011 VÀ DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2012 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 12 năm 2011
Số: 220/BC-TTDB&TTTTLĐ  

 

BÁO CÁO PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2011

VÀ DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2012

TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

PHẦN I

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ NĂM 2011

 

Trong năm 2011, Trung tâm Dự báo nhu cầu và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát, cập nhật liên tục về thị trường lao động (cung – cầu) tại 16 lần tham gia sàn giao dịch, ngày hội việc làm, 28 lần thực hiện hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, kết hợp thu thập thông tin của các trung tâm giới thiệu việc làm, trường dạy nghề và các kênh thông tin của doanh nghiệp về tuyển dụng lao động; đã tổng hợp thông tin của 18.062 doanh nghiệp với nhu cầu 263.498 chỗ làm việc và 63.147 người tìm việc làm, (trong đó khảo sát trực tiếp 5.250 người tìm việc). Đồng thời trong quý 4/ 2011 Trung tâm đã khảo sát trực tiếp nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2012 tại 1.580 doanh nghiệp. Từ kết quả tổng hợp, so sánh cơ sở dữ liệu có thể nhận định, phân tích tổng quan về thị trường lao động thành phố năm 2011 như sau:

 

I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ NĂM 2011

 

Năm 2011, thị trường lao động thành phố phát triển cùng với tác động của tình hình lạm phát và biến động tăng của chỉ số giá tiêu dùng, đã tạo diễn biến nhiều nghịch lý. Do tình hình khó khăn về sản xuất kinh doanh, hạn chế nguồn vốn, khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, một bộ phận người lao động (đa số lao động có tay nghề thấp) thất nghiệp. Tình trạng biến động lao động nhảy việc của người lao động diễn ra phổ biến, bình quân biến động trên 30% tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, đa số là nguồn lao động phổ thông trong các ngành nghề như Dệt - May, Cơ khí, Điện tử, Xây dựng, Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ. Tuy nhiên về tổng thể số lượng chỗ làm việc năm 2011 tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn tăng 13,69% so với năm 2010 để đáp ứng nhu cầu tuyển mới và bù đắp thiếu hụt lao động đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Có thể nhận thấy thị trường lao động và nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh 2011; có xu hướng phát triển như sau:

 

- Trong06 tháng đầu năm 2011 tác động của chỉ số giá cả tăng, ảnh hưởng sự ổn định và phát triển của thị trường lao động, đặc biệt trong quý II/2011 thị trường lao động biến động khó kiểm soát, một số doanh nghiệp do nhiều áp lực đã phải tinh giãn bộ máy, nhân sự, đổi mới phương pháp tuyển dụng, chú trọng nâng cao phúc lợi cho người lao động để có nguồn nhân sự ổn định phù hợp, không tuyển số lượng nhiều như trước đây. Tuy vậy nhu cầu tuyển dụng 06 tháng đầu năm 2011 vẫn tăng bình quân 14,35% so 06 tháng đầu năm 2010, trong khi đó nguồn lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng tương ứng là 11,23% (30.345/27.000 năm 2010); cho thấy sự nghịch lý thường xuyên của thị trường lao động về tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động.Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong 6 tháng đầu năm 2011 tăng 62,84% so với 06 tháng cuối năm 2010, cụ thể cơ cấu trình độ tuyển dụng Trên đại học – Đại học (9,30%), Cao đẳng (10,47%), Trung cấp (15,80%), Công nhân kỹ thuật – Sơ cấp nghề (13,53%), Lao động phổ thông (50,89%), tập trung vào một số ngành nghề như Marketing - Nhân viên Kinh doanh, Bán hàng, Kế toán – Kiểm toán, Xây dựng – Kiến trúc, Điện tử, Viễn thông, Tư vấn – Bảo hiểm, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Công nghệ thông tin, Quản lý điều hành, nhân sự… Điều này thể hiện yêu cầu ngày càng cao về tay nghề và trình độ trong nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

 

- Trong 6 tháng cuối năm 2011,thị trường lao động nhìn chung có ổn định so với 06 tháng đầu, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp được tính toán chặt chẽ, chú trọng chất lượng đồng thời tập trung nhu cầu nguồn lao động thời vụ, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm 2011; một số nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động thời vụ cao như Bán hàng, Marketing, dịch vụ, phục vụ, kế toán, nhà hàng – khách sạn…

 

Nhu cầu tuyển dụng 06 tháng cuối năm tương đối ổn định và giảm so với 06 tháng đầu năm khoảng 30%, đặc biệt nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong các doanh nghiệp sản xuất, cụ thể Trên đại học – Đại học (16,02%), Cao đẳng (13,92%), Trung cấp (21,70%), Công nhân kỹ thuật – Sơ cấp nghề (9,63%), Lao động phổ thông (38,73%),

 

Năm 2011, tuy tình hình chung về kinh tế - xã hội của Thành phố vẫn còn khó khăn, hạn chế nhưng với nhiều chính sách của nhà nước và thành phố đã tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt việc Chính phủ tăng lương và các chính sách của Thành phố về phúc lợi chăm lo tốt đời sống cho công nhân lao động và các chính sách hỗ trợ thị trường lao động như bảo hiểm thất nghiệp các hoạt động sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực, tư vấn hướng nghiệp; các trường dạy nghề tăng cường hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội tạo gắn kết nghề nghiệp – việc làm đã góp phần tích cực ổn định thị trường lao động thành phố.

 

Năm 2011 tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố đạt 10,30%; đã tạo cho thị trường lao động phát triển. Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, kết quả giải quyết việc làm thành phố 11 tháng là 262.261 người, trong đó 197.311 người có việc làm ổn định, 118.345 chỗ làm việc mới; ước năm 2011 thành phố đạt kế hoạch giải quyết việc làm 265.000 người theo chỉ tiêu đề ra.

 

II.PHÂN TÍCH NGUỒN CẦU NHÂN LỰC

 

Nhu cầu nhân lực năm 2011 tăng so với năm 2010 ở hầu hết tất cả các ngành nghề. Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2011 như: Dệt may – Giày da (15,95%), Marketing - Nhân viên Kinh doanh (12,81%), Dịch vụ - Phục vụ (9,24%), Bán hàng (8,38%), Điện tử - Viễn thông (4,08%), Cơ khí luyện kim (3,75%), Kế toán – Kiểm toán (3,61%), Tư vấn – Bảo hiểm (2,63%), Công nghệ thông tin (2,60%), Nhà hàng – Khách sạn (2,47%), Y tế - Chăm sóc sức khỏe (2,34%), Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh (2,30%), Xây dựng – Kiến trúc (2,24%)...

 

Đặc điểm rõ nét là thị trường lao động thành phố tiếp tục có sự chênh lệnh cung – cầu, vì vậy việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội được thành phố chú trọng tăng cường, nhiều giải pháp nâng cao trách nhiệm các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và xã hội được quan tâm, chú trọng. Trong năm 2011, một số ngành nghề biểu hiện chênh lệch cung – cầu như:

 

+ Tài chính - Kế toán: Là ngành nghề có số lượng người tìm việc làm luôn luôn vượt so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở mức trên 30%. Tuy nhiên nhân sự Tài chính - Kế toán có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi vẫn là yêu cầu cần thiết của nhiều doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng năm 2011 và các năm tới.

 

+ Dệt – May – Giày da: Ngành thu hút nhiều lao động là người Thành phố và các Tỉnh, Thành phố khác đến làm việc, nhưng thường xuyên có sự biến động về nhân lực; đặc biệt nhu cầu lao động sơ cấp nghề và phổ thông. Năm 2011 tại thành phố, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Dệt – May – Giày da trên 50.000 lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm trên 50%, khả năng nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 70%, vì vậy ngành Dệt – May – Giày da thường xuyên thiếu hụt lao động.

 

+ Cơ khí: Ngành cần nhiều nhân lực. Tuy nhiên doanh nghiệp không thể tuyển đủ người, mặc dù không yêu cầu quá cao về tay nghề và trình độ … Hằng năm ngành Cơ khí tại thành phố cần trên 10.000 lao động trong đó 30% nhân lực có trình độ cao, nhưng khả năng cung ứng nguồn lao động tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề… còn thấp so nhu cầu tuyển dụng. Năm 2011 các trường chỉ có thể tuyển sinh khoảng 60% so với tổng chi tiêu đào tạo ngành Cơ khí.

 

+ Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh, Xây dựng – Kiến trúc cũng thuộc nhóm cần tuyển dụng nhiều nhân lực có tay nghề chuyên môn, nhưng nhân lực đáp ứng chỉ ở mức độ 60% so với nhu cầu.

 

+ Công nghệ thông tin: Nhu cầu tuyển dụng trong năm 2011 tăng (21,21% ) so với năm 2010, cần nhiều trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, tester, nhân viên phát triển phần mềm, thiết kế lập trình web … nhưng nguồn cung nhân lực đa số là sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng còn hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành kể cả kiến thức ngoại ngữ. Giai đoạn 2012 - 2015 thành phố Hồ Chí Minh cần hàng trăm ngàn nhân lực ngành công nghệ thông tin trong các lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, nội dung số, phần cứng ,...nhưng số lượng sinh viên – học sinh chuyên ngành công nghệ thông tin đang có xu hướng giảm đáng kể.

 

+ Hóa chất, chế biến lương thực – thực phẩm: Nguồn nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

 

+ Marketing – Nhân viên kinh doanh, Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ: Năm 2011 nhu cầu tuyển dụng chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu tuyển dụng, trong đó nhu cầu lao động thời vụ chiếm khoảng 30%. Đặc biệt ngành nghề Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ có xu hướng tăng nhu cầu nhân lực vào thời điểm cuối năm.

 

So sánh nhu cầu tuyển dụng năm 2011

 

Về cơ cấu trình độ chuyên môn, năm 2011 nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông giảm 6,06% so với năm 2010, vẫn chiếm tỷ lệ cao (46,61%) trong tổng nhu cầu tuyển dụng, một số ngành nghề như Dệt may, Nhựa, Bao bì, Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất, Điện tử - viễn thông, Điện- Điện công nghiệp – Điện lạnh, Cơ khí – Luyện Kim, Dịch vụ - phục vụ, Bán hàng, Marketing - Nhân viên Kinh doanh, Nhà hàng – Khách sạn, … Lao động có trình độ cao đẳng - đại học – trên đại học chiếm (23,23%) chủ yếu là những ngành nghề Công nghệ thông tin, Xây dựng – Kiến trúc, Quản lý kinh doanh, Quản lý nhân sự, Kiểm toán, Kế toán, Marketing – Nhân viên kinh doanh, Bán hàng. Lao động từ Sơ cấp nghề đến Trung cấp chiếm (29,87%) bao gồm những ngành nghề Cơ khí - Luyện kim, Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh, Marketing - Nhân viên Kinh doanh, Bán hàng, Dịch vụ và phục vụ, Tư vấn - Bảo hiểm, Giao thông-Vận tải-Thủy lợi, Dệt - May - Giày da… Cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tuyển dụng và sử dụng nhân lực có tay nghề và trình độ chuyên môn.

 

Các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều năm 2011

 

 

Chỉ số nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn năm 2011

 

 

III. PHÂN TÍCH NGUỒN CUNG NHÂN LỰC

 

Năm 2011, nguồn cung nhân lực vẫn thể hiện sự nghịch lý; trong khi nguồn lao động phổ thông biến động và thiếu thường xuyên thì nguồn lao động có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong một số ngành nghề lại chênh lệch về số lượng và chưa đáp ứng chất lượng so với nguồn cầu như: Quản lý điều hành, Tin học, Kế toán, Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng, Tài chính - Ngân hàng, Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu... Nguồn nhân lực sinh viên – học sinh tốt nghiệp đa số vẫn gặp nhiều hạn chế về chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, ngoại ngữ.

 

Đa số các doanh nghiệp thiếu lao động kể cả lao động phổ thông thuộc nhóm ngành nghề Điện tử - Viễn thông, Cơ khí - Luyện kim, Giao thông-Vận tải-Thủy lợi, Dệt - May - Giày da, Nhựa - Bao bì, Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất.

 

Năm 2011 diễn ra sự dịch chuyển lao động khá lớn (trên 30%), phần lớn lao động có nhu cầu tìm việc tại các sàn giao dịch việc làm, các phương tiện truyền thông, mạng việc làm, các trung tâm giới thiệu việc làm là những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và có tay nghề,trên 50% người tìm việc làm có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên và mức lương mong muốn trên 5 triệu đồng/tháng đến 8 triệu đồng/tháng, tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt giữa những người tìm việc làm có trình độ chuyên môn. Đối với lao động phổ thông, sơ cấp nghề nhu cầu tìm việc làm cũng mong muốn mức lương trên 02 triệu đồng/tháng – 03 triệu đồng/tháng trở lên.

 

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu và Thông tin thị trường lao động thành phố tại 1.580 doanh nghiệp vào quý 4/2011 sơ bộ cho thấy thu nhập bình quân của người đang làm việc lao động phổ thông, sơ cấp nghề khoảng dưới 3 triệu đồng/ tháng, tăng khoảng 10% so với năm 2010. Mức thu nhập bình quân của nhân viên, công nhân có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhân viên hành chính vào khoảng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng.

 

Các nhóm ngành nghề có nguồn cung nhân lực nhiều năm 2011

 

Chỉ số nguồn nhân lực cung theo trình độ năm 2011

 

 

 

PHẦN II

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ

NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC NĂM 2012

 

 

I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

 

1.Về Cung lao động

 

1.1. Lực lượng lao động thành phố có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 3,5%/năm và tăng dần qua các năm. Năm 2011 – 2012 tổng nguồn nhân lực (bao gồm những người trong độ tuổi lao động và những người ngoài độ tuổi lao động vẫn có khả năng lao động ) theo số liệu thống kê có 5.221.890 người chiếm tỷ lệ 70,6% dân số.

 

1.2. Lực lượng lao động từ 20 tuổi đến 45 tuổi chiếm 65,81% trong các nhóm tuổi tham gia lao động, nhóm tuổi 20-24 chiếm cao nhất 16,7%, nhóm tuổi 25-29 chiếm 15,18%, nhóm tuổi 30-34 chiếm 17,58%.

 

1.3. Lực lượng lao động Nữ chiếm tỷ lệ 52,41% tổng số lao động, tỷ lệ lao động Nữ trong các nhóm tuổi luôn cao hơn tỷ lệ lao động Nam.

 

1.4. Trình độ học vấn nguồn nhân lực và dân số tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên tỷ lệ 47,6%; tốt nghiệp trung học cơ sở tỷ lệ 27,34%.

 

1.5. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề năm 2010- 2011 chiếm tỷ lệ 58% tổng số lao động. Cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật có trình độ Đại học: 9,35%; Cao đẳng 1,67%; Trung cấp 4,37%; Sơ cấp 42,61%; Chưa có bằng cấp CMKT 42%.

 

Hàng năm tại thành phố có khoảng 55.000 sinh viên các trường Đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường, kể cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn có khoảng 180.000 người có nghề có nhu cầu việc làm, trong đó các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, các ngành nghề chuyên môn quản lý nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.

 

1.6. Lực lượng lao động đang làm việc có 3.806.235 người chiếm tỷ lệ 72,89% so tổng nguồn lao động. Trong tổng số lao động đang làm việc chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm 11,40%; chuyên môn kỹ thuật bậc trung chiếm 6,44%; các nghề giản đơn và thợ chiếm 49,28% và các loại công việc khác chiểm 32,88%.

 

1.7. Tỷ lệ lao động Nữ đang làm việc chiếm tỷ lệ trên 50%; lao động Nữ đang làm việc trong các ngành Công nghiệp dệt may, Giày da, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ 73,13%; tỷ lệ lao động Nữ làm việc trong các ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp chiếm tỷ lệ 34,7%.

 

1.8. Tỷ lệ lao động thất nghiệp tại thành phố bình quân ở mức 5,00% (260.000 người/năm).

 

2. Về cầu lao động

 

2.1. Cơ cấu nguồn nhân lực làm việc như sau:

 

- Số chỗ làm việc của khu vực sản xuất công nghiệp, xây dựng thu hút khoảng 1,8 triệu người đang làm việc chiếm tỷ lệ 46,29% tổng nhu cầu việc làm các ngành kinh tế thành phố.

 

- Số chỗ làm việc của khu vực thương mại, dịch vụ thu hút khoảng 02 triệu người đang làm việc chiếm tỷ lệ 51,78% tổng nhu cầu việc làm các ngành kinh tế tại thành phố.

 

- Số chỗ việc làm của khu vực nông nghiệp thu hút trên 700.000 người làm việc chiếm tỷ lệ 1,83% tổng số nhu cầu làm việc các ngành kinh tế tại thành phố.

 

2.2. Về cơ cấu lao động ngành dịch vụ; ngành Thương nghiệp – Khách sạn – Nhà hàng chiếm 55,18%; Vận tải – Kho bãi- Thông tin chiếm 15,15%; Tài chính – Ngân hàng chiếm 2,81%.

 

2.3. Về tiền lương và giá nhân công vẫn thể hiện thực trạng chênh lệch giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế. Bình quân giá cả sức lao động của các khu vực, các ngành kinh tế so thực tế đảm bảo nhu cầu đời sống người lao động thấp hơn từ 30% - 40%.

 

2.4. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2005 - 2010, năng suất lao động của cả 03 khu vực kinh tế đều tăng. Năng suất trung bình của khu vực nông nghiệp đạt 22,87%, khu vực công nghiệp – xây dựng có năng suất lao động cao nhất đạt 82,12%, khu vực thương mại – dịch vụ đạt 77,35%.

 

3. Những đặc điểm và xu hướng phát triển thị trường lao động năm 2012.

 

3.1. Những mặt tích cực:

 

- Kinh tế thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục, vai trò chủ lực đối với sự phát triển chung của khu vực và cả nước, cơ cấu kinh tế thành phố và một phần cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa. Chương trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đang được đẩy mạnh.

 

- Thành phố đặc biệt quan tâm và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực; với thế mạnh về giáo dục – đào tạo, khoa học kỹ thuật để phát triển các ngành kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại. Công tác xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả tốt, được sự đồng tình và hưởng ứng của xã hội.

 

- Các doanh nghiệp luôn tích cực phát triển năng động, quan tâm các chính sách thu hút nguồn nhân lực đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt sự đa dạng ngành nghề và phát triển nhanh quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là môi trường phù hợp thu hút lao động là sinh viên, học sinh còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề.

 

- Trên địa bàn thành phố có 48 trường đại học, 27 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 10 trường cao đẳng nghề và 05 trường đại học, cao đẳng có đào tạo nghề, 32 trường trung chuyên nghiệp, 24 trường trung cấp nghề và 57 trường đại học, cao đẳng có đào tạo hệ trung cấp, 09 trung tâm dạy nghề, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trên 200.000 sinh viên, học sinh/năm. Hệ thống đào tạo của thành phố phát triển khá nhanh, quy mô đa ngành nghề, nhân lực luôn được đào tạo bổ sung, đào tạo lại để thay thế các vị trí không còn phù hợp hoặc chỗ làm việc mới theo yêu cầu trình độ, chất lượng lao động, ngành nghề chuyên môn với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

 

- Sự thay đổi tích cực về nhận thức và các giải pháp đầu tư nâng cao đào tạo gắn với sử dụng lao động, cân đối theo trình độ nghề; nhu cầu ngành nghề để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy nguồn nhân lực đặc biệt đối với thanh niên về tự học tập, nâng cao trình độ nghề và các kỹ năng nghề.

3.2. Những mặt hạn chế

- Thị trường lao động thành phố đang tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời với nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông nhưng không tuyển được lao động.

 

- Trong tổng số sinh viên – học sinh sau khi được đào tạo tìm việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% làm việc trái ngành nghề thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển việc khác. Vấn đề kỹ năng mềm là yêu cầu mà nhiều sinh viên học sinh chưa đáp ứng được.

 

- Tỷ lệ thất nghiệp của thành phố cao (trung bình 5%). Nguyên nhân thất nghiệp xuất phát tự tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên có thể thấy hai lý do cơ bản gây ra thất nghiệp.

 

o Có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp ngành nghề đã được đào tạo.

 

o Số lượng chỗ làm việc nhiều, nhưng nhiều người tìm việc làm không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó.

 

Trường hợp thứ nhất tồn tại về “thiếu hụt chỗ làm việc”, trường hợp thứ hai về “không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực”. Như vậy có thể nhận định nguyên nhân thất nghiệp cốt lõi là vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế kinh tế - xã hội thành phố phát triển.

 

- Tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế tạo mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Điều quan tâm là khu vực kinh tế phi kết cấu chiếm tỷ lệ trên 40% và đang có xu hướng tăng với đa dạng ngành nghề, nhiều chỗ làm việc mới thu hút ngược lại khu vực kinh tế chính thức.

 

- Những hạn chế của công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực đặc biệt chưa tổ chức hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, dịch vụ giao dịch thị trường lao động (tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động) có hiệu quả cao.

 

II. NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CẦU NHÂN LỰC NĂM 2012:

 

Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố năm 2012, dự kiến GDP của thành phố tăng 10%, thành phố tiếp tục tăng cường nhiều chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phát triển giáo dục – đào tạo, văn hóa, khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, chăm lo thực hiện tốt an sinh xã hội và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội để đưa nền kinh tế thành phố phát triển bền vững. Giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp xuống còn 4,9% , tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thành phố giảm còn 4,5%.

 

Theo kết quả khảo sát phân tích thông tin nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp năm 2012 và đặc điểm thị trường lao động, vấn đề giải quyết việc làm phát triển cùng với tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố, có thể nhận định năm 2012 thị trường lao động thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, biến động. Dự kiến nhu cầu nhân lực thành phố năm 2012 có 265.000 chỗ làm việc, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới, nhu cầu lao động nữ chiếm 57,7% trong tổng số nhu cầu. Vấn đề sử dụng và quản lý nhân lực, yếu tố cơ bản tích cực nhất vẫn là chất lượng, năng suất lao động, chính sách tiền lương và đãi ngộ lao động, do đó yêu cầu các doanh nghiệp tích cực cải tiến hoàn thiện tổ chức sản xuất kinh doanh, tính toán chặt chẽ việc tuyển dụng và thu hút lao động làm việc đạt hiệu quả cao. Thị trường lao động giảm sự sôi động về số lượng và theo chiều hướng nâng cao chất lượng.

 

Về xu hướng; Quý I/2012, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nguồn lao động phổ thông cho các ngành sản xuất, chế biến như Dệt may – Giày da, Chế biến thực phẩm, Nhựa – Bao bì, Xây dựng, Cơ khí, Điện tử … để bù đắp cho những biến động về lao động. Quý II/2012, quý III/2012 thị trường lao động sẽ tiếp tục có sự biến động về cung – cầu nhưng ổn định so với quý I/2012. Trong quý III, IV của năm 2012 nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào lao động có tay nghề, trình độ ở một số ngành nghề như : Cơ khí, Công nghệ thông tin, Quản lý nhân sự, Hóa – Hóa chất, Marketing – Nhân viên kinh doanh, Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Xây dựng – Kiến trúc…

 

Một số ngành nghề nguồn cung nhân lực tiếp tục tăng nhanh so nguồn cầu nhân lực trong năm 2012 như Quản lý điều hành, Kế toán, Hành chánh văn phòng, Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu, Tin học, Quản trị kinh doanh, sẽ là những ngành mất cân đối về chất lượng nhân lực trong năm 2012.

 

Trong tổng số nhu cầu nhân lực năm 2012, nhu cầu tuyển dụng của các Khu chế xuất – Khu công nghiệp thành phố là 30.000 chỗ làm việc với các nhóm ngành nghề: Điện – Điện tử (18%), Dệt – May (18%), Dịch vụ (16%), Cơ khí (13%), Chế biến thực phẩm – Hải sản (8%), Công nghệ thông tin (5%), Mộc – Bao bì (4%), Hóa – Dược (3%) và ngành nghề khác (15%).

 

Xu hướng nhu cầu nhân lực theo ngành nghề năm 2012

 

STT

Ngành thu hút nhiều lao động

Cơ cấu nhu cầu (%)

01

SX - Chế biến lương thực, thực phẩm - Quản trị chất lượng

1.32

02

Hóa-Hóa chất

0.94

03

Công nghệ thông tin

2.72

04

Điện tử - Viễn thông

4.64

05

Cơ khí - Luyện kim

4.05

06

Xây dựng - Kiến trúc

2.34

07

Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh

2.38

08

Công nghệ ô tô, xe máy

0.94

09

Quản lý điều hành

1.51

10

Tài chính - Ngân hàng

0.75

11

Đầu tư - Bất động sản - Chứng khoán

1.03

12

Kế toán - Kiểm toán

3.73

13

Marketing - Nhân viên Kinh doanh

12.75

14

Bán hàng

8.72

15

Du lịch - Giải trí

0.94

16

Nhà hàng - Khách sạn

2.72

17

Dịch vụ và phục vụ

9.62

18

Tư vấn - Bảo hiểm

2.72

19

Luật - Pháp lý

0.45

20

Khoa học nghiên cứu

0.23

21

Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng

1.89

22

Giáo dục - Đào tạo - Thư viện

1.70

23

Truyền thông - báo chi

0.75

24

Biên phiên dịch

0.57

25

Đồ họa - In ấn - Xuất bản

0.83

26

Giao thông-Vận tải-Thủy lợi

1.85

27

Dầu khí - Địa chất

0.25

28

Môi trường- Xử lý chất thải

0.55

29

Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu

1.28

30

Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản

0.40

31

Y tế - Chăm sóc sức khỏe

2.34

32

Dược - Công nghệ sinh học

0.58

33

Dệt - May - Giày da

15.85

34

Nhựa - Bao bì

0.83

35

Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất

1.25

36

Ngành nghề khác

4.58

 

Tổng nhu cầu chỗ việc làm trống dự kiến ~ 265.000

 

CƠ CẤU TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN NHU CẦU NHÂN LỰC

 

TT

Ngành nghề

Trình độ lao động (%)

LĐ chưa qua đào tạo

Sơ cấp
nghề

CNKT
lành nghề

Trung cấp
(CN-TCN)

Cao đẳng
(CN-CĐN)

Đại học

Trên đại
học

Tổng cộng

01

SX - Chế biến lương thực, thực phẩm

71,74

3,77

0,31

5,94

9,26

8,97

0,00

100

02

Hóa-Hóa chất

65,28

1,84

0,84

2,84

9,76

19,20

0,24

100

03

Công nghệ thông tin

29,93

1,38

1,11

19,90

23,22

23,42

1,04

100

04

Điện tử - viễn thông

50,96

4,01

2,17

28,35

5,31

9,15

0,05

100

05

Cơ khí - Luyện kim

53,44

2,13

13,23

18,18

5,49

7,16

0,37

100

06

Xây dựng - Kiến trúc

15,45

2,60

14,94

9,61

9,26

47,82

0,32

100

07

Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh

37,81

4,21

8,87

29,00

8,94

10,98

0,19

100

08

Công nghệ ô tô, xe máy

91,16

1,64

4,28

0,88

0,60

1,44

0,00

100

09

Quản lý điều hành

14,11

0,10

2,33

13,39

18,11

50,46

1,50

100

10

Tài chính - Ngân hàng

18,00

0,00

0,00

10,10

14,75

56,25

0,90

100

11

Đầu tư - Bất động sản - Chứng khoáng

25,50

0,40

0,00

23,27

21,37

29,27

0,18

100

12

Kế toán - Kiểm toán

9,30

0,08

0,68

28,57

27,42

32,93

1,02

100

13

Marketing - Nhân viên Kinh doanh

18,17

0,67

0,24

27,52

38,38

14,67

0,34

100

14

Bán hàng

42,25

0,45

1,39

25,26

17,78

12,79

0,09

100

15

Du lịch - Giải trí

44,20

13,16

0,00

26,40

8,24

8,00

0,00

100

16

Nhà hàng - Khách sạn

64,89

17,97

7,26

4,88

2,61

2,39

0,00

100

17

Dịch vụ và phục vụ

73,14

6,67

0,80

13,97

3,60

1,82

0,00

100

18

Tư vấn - Bảo hiểm

32,36

17,44

0,00

40,67

4,90

4,56

0,07

100

19

Luật - Pháp lý

46,33

0,00

0,00

4,75

5,08

43,83

0,00

100

20

Khoa học nghiên cứu

81,50

0,00

0,00

0,00

7,17

11,33

0,00

100

21

Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng

17,58

0,54

0,04

30,06

21,48

30,26

0,04

100

22

Giáo dục - Đào tạo - Thư viện

11,69

0,07

0,00

15,89

21,98

47,96

2,42

100

23

Truyền thông - báo chi

53,15

4,10

0,30

16,80

7,95

17,70

0,00

100

24

Biên phiên dịch

40,73

0,53

0,07

4,40

12,47

41,80

0,00

100

25

Đồ họa - In ấn - Xuất bản

46,46

3,95

3,04

25,68

7,80

11,57

1,50

100

26

Giao thông-Vận tải-Thủy lợi

44,00

33,36

12,19

2,63

0,76

6,98

0,08

100

27

Dầu khí - Địa chất

54,77

0,00

0,31

11,85

5,08

28,00

0,00

100

28

Môi trường- Xử lý chất thải

64,60

0,68

4,30

17,87

3,34

9,14

0,07

100

29

Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu

58,10

1,09

0,44

13,42

16,99

9,25

0,71

100

30

Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản

54,19

0,00

0,10

12,76

1,24

31,71

0,00

100

31

Y tế - Chăm sóc sức khỏe

8,48

0,79

0,16

84,05

0,32

6,20

0,00

100

32

Dược - Công nghệ sinh học

3,13

23,32

0,00

55,37

1,82

15,83

0,52

100

33

Dệt - May - Giày da

60,32

29,71

7,87

1,15

0,45

0,49

0,00

100

34

Nhựa - Bao bì

71,82

12,27

6,55

4,64

1,45

3,18

0,09

100

35

Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất

48,64

9,91

29,85

1,61

3,97

6,03

0,00

100

36

Ngành nghề khác

81,74

2,02

6,50

4,92

2,61

2,16

0,04

100

 

Tổng nhu cầu chỗ việc làm trống dự kiến ~ 265.000

 

Có thể nhận thấy 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực nhiều nhất trong năm 2012 tại Tp.HCM là:

 

STT

Tên ngành nghề

Cơ cấu

nhu cầu (%)

1

Marketing – Kinh doanh – Bán hàng

21,47

2

Dệt – May – Giày da

15,85

3

Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn – Dịch vụ - Phục vụ

13,28

4

Công nghệ thông tin – Điện tử - Viễn thông

7,36

5

Tài chính - Kế toán – Kiểm toán

5,48

6

Cơ khí – Luyện kim – Công nghệ ô tô

4,99

7

Xây dựng – Kiến trúc – Giao thông vận tải

4,19

8

Quản lý - Hành chính – Giáo dục – Đào tạo

3,59

9

Điện – Điện công nghiệp – Điện lạnh

2,38

10

Hóa – Chế biến lương thực thực phẩm – Quản trị chất lượng

2,26

 

10 nhóm ngành nghề trên phù hợp định hướng phát triển kinh tế của thành phố về 04 ngành công nghiệp chủ lực : Cơ khí, Điện tử - Công nghệ thông tin, Hóa – Dược – Cao su, Chế biến tinh lương thực thực phẩm và 09 ngành dịch vụ.

 

Nhận định về trình độ chuyên môn nghề nhu cầu nhân lực thành phố năm 2012:

 

STT

Trình Độ

Cơ cấu nhu cầu (%)

1

Lao động chưa qua đào tạo

45,02

2

Sơ cấp nghề

8,31

3

Công nhân kỹ thuật lành nghề

4,03

4

Trung cấp (CN-TCN)

18,13

5

Cao đẳng (CN-CĐN)

12,00

6

Đại học

12,27

7

Trên đại học

0,25

 

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông có giảm 10% so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu trình độ nhân lực tuyển dụng của các doanh nghiệp.

 

Đối với nhu cầu tuyển dụng lao động cho các Khu chế xuất – Khu công nghiệp thành phố năm 2012 có cơ cấu trình độ chuyên môn: Đại học – Cao đẳng: 7%, Trung cấp: 12%, Công nhân kỹ thuật: 19%, Lao động đã qua đào tạo nghề: 30%, Lao động chưa đào tạo nghề: 32%.

 

II.ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

 

Vấn đề nguồn nhân lực luôn được thành phố chú trọng đặc biệt trong năm 2011 thị trường lao động thành phố gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của sự biến động về kinh tế xã hội, lao động thiếu ở mọi trình độ đặc biệt là lao động phổ thông, thời điểm cuối năm 2011 thị trường lao động tuy bình ổn nhưng vẫn còn nhiều nghịch lý.

 

Thực trạng thị trường lao động những năm gần đây tại thành phố luôn diễn biến tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động từ lao động phổ thông trong các ngành chế biến, sản xuất, xây dựng, dịch vụ… và lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh.

 

Vì vậy vấn đề quản lý và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả luôn cần sự tham gia đồng bộ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội.

 

Với góc độ nhiệm vụ hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực thành phố, Trung tâm Dự báo nhuc cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố đề xuất Sở Lao động – TBXH thành phố và các cơ quan chức năng trong năm 2012, tiếp tục quan tâm các vấn đề như sau:

 

1. Tạo chuyển biến mạnh với các cơ quan, tổ chức, xã hội về phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao. Nâng cao nhận thức các yếu tố cạnh tranh trong quá trình tham gia thị trường lao động của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động về chất lượng nguồn nhân lực.

 

2. Định hướng , phát triển có hiệu quả hoạt động hướng nghiệp giúp cho học sinh, sinh viên người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp (định hướng học nghề hoặc chuyển nghề) trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân, nắm được định hướng phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu nhân lực của Thành phố, Quốc gia.

 

3. Xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào đạo của từng trường gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp trình độ đào tạo. Cần xác định được khung chương trình đào tạo phù hợp, có chất lượng phù hợp với nhu cầu công việc xã hội và các doanh nghiệp. Hạn chế việc đào tạo tự phát không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thừa thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp.

 

4. Tạo sự đồng bộ, liên kết, hợp tác giữa hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành, gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu cụ thể.

 

5. Tăng cường trách nhiệm các doanh nghiệp về thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và phối hợp với tổ chức dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu tuyển dụng lao động, theo số lượng và cơ cấu ngành nghề sử dụng lao động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

 

6. Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của thành phố và các ngành khoa học xã hội.

 

7. Xã hội hóa và tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động tư vấn nghề nghiệp – việc làm, cung ứng lao động, giới thiệu việc làm.

 

8. Xây dựng hệ thống Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động. Đầu tư phát triển các hoạt động tư vấn quan hệ doanh nghiệp, thông tin nghề nghiệp – việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo.

 

9. Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC



Trần Anh Tuấn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024711050

TRUY CẬP HÔM NAY: 15753

ĐANG ONLINE: 88