TP. HỒ CHÍ MINH: THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NGÀY CÀNG ĐÒI HỎI NHIỀU VỀ CHẤT LƯỢNG


(ĐCSVN) - Năm 2011 tốc độ tăng trưởng GDP của TP. Hồ Chí Minh đạt 10,3%, đã góp phần tạo cho thị trường lao động Thành phố phát triển. Theo xu hướng, thị trường lao động Thành phố không chỉ có nhu cầu về số lượng mà còn đòi hỏi chất lượng ngày càng tăng.



Theo số liệu của UBND Thành phố, trong năm 2011, ước giải quyết việc làm cho trên 265.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, tạo việc làm mới cho 120.000 lao động, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm, đồng thời, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5% như kế hoạch đề ra.

 

Vẫn mất cân đối cung –cầu

 

Lao động thời vụ dịp cuối năm trên địa bàn Thành phố đang tăng cao (Ảnh: Huỳnh Nga)


Đánh giá về tình hình thị trường lao động Thành phố năm 2011, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố cho rằng: Do ảnh hưởng của tình hình lạm phát và biến động tăng của chỉ số giá tiêu dùng, đã tạo cho thị trường lao động trên địa bàn có những diễn biến nhiều nghịch lý. Tình hình khó khăn về sản xuất kinh doanh, hạn chế nguồn vốn; khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh; một bộ phận người lao động (đa số lao động có tay nghề thấp) bị thất nghiệp. Tình trạng người lao động “nhảy” việc diễn ra khá phổ biến; bình quân biến động trên 30% tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Con số này phần lớn rơi vào nhóm lao động phổ thông trong các ngành nghề như: Dệt may, cơ khí, điện tử, xây dựng, bán hàng, dịch vụ... Tuy nhiên, về tổng thể, số lượng chỗ làm việc năm 2011 tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố vẫn tăng 13,69% so với năm 2010.

 

Trong năm 2011, có thể thấy rõ 2 giai đoạn của thị trường lao động. Trong nửa đầu năm, đặc biệt trong quý II/2011, thị trường lao động biến động khó kiểm soát. Một số doanh nghiệp do nhiều áp lực đã phải cơ cấu lại nhân sự; đổi mới phương pháp tuyển dụng; chú trọng nâng cao phúc lợi cho người lao động để có nguồn nhân sự ổn định phù hợp; không tuyển số lượng nhiều như trước đây. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong 6 tháng đầu năm 2011 tăng 62,84% so với 6 tháng cuối năm 2010. Cùng với đó, nguồn lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng khoảng là 11,23% so với năm 2010.

 

Trong 6 tháng cuối năm 2011, thị trường lao động nhìn chung có ổn định hơn; nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp được tính toán chặt chẽ, chú trọng chất lượng; đồng thời tập trung nhu cầu nguồn lao động thời vụ, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm 2011. Một số nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động thời vụ cao như: Bán hàng, marketing, dịch vụ, phục vụ, kế toán, nhà hàng …

 

Từ thực tế, có thể nhận thấy, đặc điểm rõ nét trong năm 2011 là thị trường lao động Thành phố tiếp tục có sự chênh lệnh cung – cầu. Ngay trong nguồn cung nhân lực cũng thể hiện sự nghịch lý. Trong khi nguồn lao động phổ thông biến động và thiếu thường xuyên thì nguồn lao động có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong một số ngành nghề lại chênh lệch về số lượng và chưa đáp ứng chất lượng so với nguồn cầu.

 

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu và Thông tin thị trường lao động thành phố tại 1.580 doanh nghiệp vào quý IV/2011 cho thấy thu nhập bình quân của người đang làm việc lao động phổ thông, sơ cấp nghề khoảng dưới 3 triệu đồng/ tháng, tăng khoảng 10% so với năm 2010. Mức thu nhập bình quân của nhân viên, công nhân có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhân viên hành chính vào khoảng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng.

Năm 2011 cũng diễn ra sự dịch chuyển lao động khá lớn (trên 30%). Trong đó, trên 50% người tìm việc làm có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên, mức lương mong muốn trên 5 triệu đồng/tháng đến 8 triệu đồng/tháng, tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt giữa những người tìm việc làm có trình độ chuyên môn. Đối với lao động phổ thông, sơ cấp nghề, nhu cầu tìm việc làm cũng mong muốn mức lương trên 2 triệu đồng/tháng – 3 triệu đồng/tháng trở lên.

 

Ông Tuấn cho rằng, năm 2011, tuy tình hình chung về kinh tế - xã hội của Thành phố vẫn còn khó khăn, hạn chế, nhưng với nhiều chính sách của nhà nước và Thành phố đã góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, việc Chính phủ tăng lương và các chính sách của Thành phố về phúc lợi, chăm lo tốt đời sống cho công nhân lao động và các chính sách hỗ trợ thị trường lao động (bảo hiểm thất nghiệp, các hoạt động sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực, tư vấn hướng nghiệp); các trường dạy nghề tăng cường hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội, tạo gắn kết nghề nghiệp – việc làm đã góp phần tích cực ổn định thị trường lao động Thành phố.

 

Sẽ còn nhiều biến động trong năm 2012

 

Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2012, dự kiến GDP của Thành phố tăng 10%. Thành phố tiếp tục tăng cường nhiều chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phát triển giáo dục – đào tạo, văn hóa, khoa học - công nghệ; nâng cao hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; chăm lo thực hiện tốt an sinh xã hội và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội để đưa nền kinh tế Thành phố phát triển bền vững; giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp xuống còn 4,9%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí Thành phố giảm còn 4,5%.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đang là nhu cầu cấp bách ở nhiều doanh nghiệp (Ảnh: HQO)

 

Từ thực tế hiện nay, ông Trần Anh Tuấn nhận định, năm 2012, thị trường lao động Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, biến động. Dự kiến, nhu cầu nhân lực Thành phố năm 2012 có 265.000 chỗ làm việc, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới, nhu cầu lao động nữ chiếm 57,7% . Các doanh nghiệp sẽ tích cực cải tiến hoàn thiện tổ chức sản xuất kinh doanh, tính toán chặt chẽ việc tuyển dụng và thu hút lao động làm việc đạt hiệu quả cao. Do đó, thị trường lao động sẽ giảm sự sôi động về số lượng và theo chiều hướng nâng cao chất lượng.

 

Cụ thể, về xu hướng: Quý I/2012, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là nguồn lao động phổ thông cho các ngành sản xuất, chế biến; Quý II và quý III/2012, thị trường lao động sẽ tiếp tục có sự biến động về cung – cầu nhưng ổn định so với quý I/2012. Trong quý III, IV của năm 2012, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào lao động có tay nghề, trình độ ở một số ngành nghề như : Cơ khí, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, hóa – hóa chất, marketing – nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, y tế - chăm sóc sức khỏe, xây dựng – kiến trúc…

 

Một số ngành nghề nguồn cung nhân lực tiếp tục tăng nhanh so với nguồn cầu nhân lực trong năm 2012 như: Quản lý điều hành, kế toán, hành chính văn phòng, kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu, tin học, quản trị kinh doanh. Đây cũng sẽ là những ngành mất cân đối về chất lượng nhân lực trong năm 2012.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, để việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực của Thành phố hiệu quả lu

 

*Trong tổng số nhu cầu nhân lực năm 2012, nhu cầu tuyển dụng của các khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố là 30.000 chỗ làm việc.

*Hàng năm, Thành phố có khoảng 55.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường, kể cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn, có khoảng 180.000 người có nghề có nhu cầu việc làm. Trong đó, các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, các ngành nghề chuyên môn quản lý nghiệp vụ chiếm 60%.

ôn cần sự tham gia đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội. Phát triển nguồn nhân lực cần phải có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao. Ông Tuấn nhấn mạnh một số giải pháp cơ bản như: Cần phải định hướng, phát triển có hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, giúp cho học sinh, sinh viên, người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân; nắm được định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nhân lực của Thành phố, và của quốc gia; cần có sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, tăng thực hành cho học sinh, sinh viên; nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của Thành phố và các ngành khoa học xã hội; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động.

 

Nguồn: cpv.org.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722038

TRUY CẬP HÔM NAY: 6652

ĐANG ONLINE: 6