Chế độ làm việc, nghỉ ngơi với LĐ làm việc thời vụ


Bộ LĐTBXH vừa ban hành thông tư số 33/2011/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hằng năm.

 

Áp dụng đối với người LĐ làm các công việc có tính thời vụ trong ngành sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được, các công việc gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu.
 
Theo đó, đối tượng áp dụng của thông tư này là NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12-36 tháng và hợp đồng LĐ không xác định thời hạn thuộc các DN, cơ sở SXKD.
 
Cụ thể, hằng năm, căn cứ vào quỹ thời giờ tiêu chuẩn làm việc trong năm (theo công thức tính cụ thể), DN lập kế hoạch xác định số giờ tiêu chuẩn làm việc hằng ngày của người LĐ. Với người LĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể bố trí: Ngày làm việc bình thường là 8 giờ; hoặc 6 giờ; ngày làm việc nhiều hơn 8 giờ nhưng không quá 12 giờ; hoặc nhiều hơn 6 giờ nhưng không quá 9 giờ; ngày làm việc trên 4 giờ nhưng ít hơn 8 giờ; hoặc trên 3 giờ nhưng ít hơn 6 giờ; cho nghỉ trọn ngày.
 
Về số giờ làm thêm, tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi LĐ thực hiện đúng theo quy định hiện hành của Bộ luật LĐ đã sửa đổi, bổ sung. 
 
Về thời gian nghỉ ngơi, hằng tuần, người LĐ được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người LĐ.
 
Chế độ nghỉ trong ca, nghỉ giữa ca, nghỉ chuyển tiếp giữa hai ca đối với từng LĐ thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung. Nếu người LĐ làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên thì người sử dụng LĐ phải bố trí cho họ được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường.
 
Ngoài ra, DN phải bố trí để người LĐ được nghỉ ngơi hoặc nghỉ bù đủ số ngày lễ, tết, nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác đúng theo quy định của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.
 
Các nội dung quy định tại thông tư trên sẽ thay thế thông tư số 16/2003/TT-BLĐTBXH ngày 3.6.2003 của Bộ LĐTBXH và có hiệu lực thi hành từ 10.1.2012.
 
N.Bảo
 
Nguồn laodong.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024914987

TRUY CẬP HÔM NAY: 8893

ĐANG ONLINE: 188