Giải pháp nào khắc phục việc thiếu hụt lao động


Khan hiếm lao động do các công ty chạy theo đơn đặt hàng. Cần tạo ra chính sách việc làm bền vững để thu hút và giữ chân người lao động. Thực sự nguyên nhân do đâu và đâu là giải pháp khắc phục?

 

Khan hiếm thật - ảo

 

Phần lớn doanh nghiệp (DN) may, giày da hiện nay đều gia công hàng cho nước ngoài. Vì thế, sự thiếu hụt lao động chỉ thực sự xảy ra khi DN ký được hợp đồng với đối tác, phải tất tả chạy tìm lao động để kịp tiến độ giao hàng, sau đó lại phải cho công nhân (CN) nghỉ việc. Công ty Giày V.H (Q.4), trước đây sử dụng khoảng 500 CN. Năm 2004, công ty nhận một đơn hàng lớn, cần sử dụng 2.000 CN.

 

Công ty buộc phải tuyển thêm, nhưng không đủ, phải thuê lại nhà xưởng và toàn bộ số CN của DN khác. Thực tế, nếu sau khi đơn hàng kết thúc mà không có hợp đồng mới, thì công ty phải giảm thiểu lao động. Khi có đơn hàng mới, Công ty Vĩnh Long Hãng (Q.9) tuyển thêm 500 CN, nhưng cuối năm 2004, sau khi đơn hàng kết thúc, CN không có việc làm, tiền lương giảm và đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp lao động.

 

Việc DN chạy theo đơn hàng là nguyên nhân chính đẩy nhu cầu tuyển dụng lên cao, tạo ra sự biến động, khan hiếm lao động nhất thời. Hiện tượng thiếu “ảo” này còn được góp phần bởi các cơ sở, trung tâm dịch vụ việc làm. Ông Trần Hiếu Liêm, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết một công ty may khi cần tuyển 500 CN, có thể gởi nhu cầu đến nhiều nơi. Một DN trong KCX gởi nhu cầu tuyển 1.000 CN ở nhiều nơi, nhưng lao động nộp hồ sơ vào thì thông báo không có nhu cầu.

 

Còn theo ông Trần Anh Tuấn - chuyên viên lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề & Tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM, các DN trong KCX-KCN của TPHCM luôn kêu thiếu mỗi năm 30.000 lao động. Nhưng từ năm 1998 đến nay, khu vực này chỉ thu hút thêm khoảng 5.000 lao động/năm. Số lao động thiếu hụt thực sự chỉ do biến động lao động, chuyển dịch lao động từ nơi này sang nơi khác. Ông Tuấn cho rằng, vấn đề quan trọng là phải tạo ra các chính sách việc làm bền vững cho người lao động. Các DN luôn kêu thiếu lao động, nhưng đó là thiếu nhất thời (theo mùa gia công) hay là thiếu quanh năm.

 

Trong việc hoạch định các chính sách việc làm, các chương trình việc làm của TP cần tính đến yếu tố này, xác định rõ nhu cầu thực sự của DN, thời gian sử dụng lao động bao lâu, mức độ tham gia làm việc của lao động như thế nào, từ đó hoạch định các chính sách giúp người lao động tìm được những chỗ làm phù hợp, ổn định lâu dài hơn.

 

Quan tâm đến lợi ích người lao động

 

Theo các số liệu khảo sát, trên 80% CN làm việc ở các DN sản xuất hiện nay tại TPHCM là lao động tỉnh. Các nhà cung ứng lao động cho rằng, do vài năm trở lại đây nhiều KCN, DN mới hình thành ở các tỉnh nên lao động có xu hướng trở về địa phương làm việc. Điều này khiến cho các DN tại TPHCM mất dần ưu thế về thu hút lao động.

 

Nhiều DN đang tìm cách tháo gỡ khó khăn trước xu hướng chuyển dịch lao động này bằng cách về các tỉnh mở nhà máy, xí nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng Ban Nhân sự Công ty Dệt may Thành Công - cho biết hiện nay rất khó tuyển dụng lao động vì phần lớn lao động tỉnh ở lại địa phương làm việc. Trong kế hoạch, Thành Công sẽ xem xét đầu tư, xây dựng nhà máy ở các tỉnh. Hiện nay, Công ty May Nhà Bè - TPHCM đã đầu tư xây dựng 6 nhà máy ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Kon Tum, Tiền Giang... với trên 4.000 lao động.

 

Theo ông Tuấn Nguyên Nghị, chủ tịch Công đoàn công ty, phương án này phần nào giải tỏa được áp lực khan hiếm lao động và nhiều vấn đề xã hội: người lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế các địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ; tránh được áp lực lao động nhập cư vào TPHCM... Còn Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân), tuyển gần 1.000 lao động tại tỉnh Long An. Hằng ngày, công ty tổ chức đưa đón họ đến công ty làm việc.

 

Vấn đề đặt ra là việc mở xí nghiệp, nhà máy ở các tỉnh có giúp DN giải quyết khó khăn về bài toán thiếu lao động? Bởi lẽ, ngay chính DN sản xuất của các tỉnh, thành cũng thường xuyên kêu ca khan hiếm lao động. Theo bà Đinh Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, biện pháp chính vẫn là nỗ lực từ DN. Chỉ có DN nào bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo được sự yên tâm cho người lao động sẽ thu hút và giữ được chân lao động lâu dài. Ông Uông Đại Lượng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Biti’s, cho biết những DN thường xuyên biến động lao động, tỉ lệ lao động bỏ việc cao là do thuần túy gia công hàng xuất khẩu. Do đó khi không có đơn hàng thì CN phải nghỉ việc nên người lao động khó gắn bó với DN.

 

Biti’s có thị trường nội địa, chủ động được sản xuất nên bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định, hạn chế được tỉ lệ CN bỏ việc. Bà Phan Thị Kim Liên, Phó Phòng Tổ chức lao động tiền lương Công ty May Việt Tiến, nói: Việt Tiến có thị trường nội địa lớn nên không bao giờ thiếu việc cho CN. Nhờ việc làm ổn định, cùng với các chế độ chính sách phúc lợi bảo đảm nên Việt Tiến vẫn thu hút được CN.

 

Theo Người Lao Động

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024874184

TRUY CẬP HÔM NAY: 121

ĐANG ONLINE: 12