Hai kịch bản cho nền kinh tế 5 năm tới


(Chinhphu.vn) - Theo kịch bản thứ nhất, với diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5%, quy mô GDP theo giá thực tế đến năm 2015 tương đương gần 180 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tương đương 1.965 USD.
 

Có 2 kịch bản kinh tế trong 5 năm tới. Ảnh minh họa

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh  tại Hội thảo “Tư vấn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  5 năm 2011-2015” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm nay 4/10, tại Hà Nội nhằm đưa ra các kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới.

 

Nhiều thách thức

 

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có thể rơi vào giai đoạn tái suy thoái... Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức độ hợp lý, phù hợp với tình hình cụ thể ở trong nước và thế giới. Từ đó, tạo sự chủ động tiến tới ổn định vững chắc vào năm 2013.

 

Tại hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế. Cụ thể, xuất phát từ dự báo tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng thấp trong năm 2011 và 2012 và các năm sau đó tiếp tục có những khó khăn và thách thức lớn hơn…, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới sẽ duy trì ở mức 6,5%. Quy mô GDP theo giá thực tế đến năm 2015 sẽ là 4.500 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 180 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 49 triệu đồng, tương đương 1.965 USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 12%/năm và nhập siêu đến năm 2015 sẽ ở khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Cũng theo kịch bản này, dư nợ công đến cuối năm 2015 sẽ không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ quốc gia sẽ không quá 50% GDP. Con số này tại thời điểm năm 2010 lần lượt là 57,3% GDP, 45,7% và 42,2% GDP. Tỷ trọng đầu tư xã hội 5 năm sẽ là khoảng 33,5%.

 

Còn với kịch bản thứ 2, nếu nền kinh tế thế giới được cải thiện hơn thì GDP trong 5 năm tới sẽ tăng khoảng 7% và quy mô GDP theo giá trị thực tế đạt 4.600 nghìn tỷ đồng, tương đương 184 tỷ USD. Cơ cấu ngành kinh tế sẽ dành 18% cho nông-lâm-thủy sản, công nghiệp là 42%, số còn lại 40% sẽ là ngành dịch vụ. Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng có nhiều tiến bộ đáng kể khi kịch bản này dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 14%, kéo nhập siêu xuống còn 10% kim ngạch xuất khẩu…

 

Tăng trưởng hợp lý, ưu tiên tái cơ cấu

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, việc xây dựng kế hoạch 5 năm tới có ý nghĩa quan trọng, rất cần có sự thảo luận và tham gia rộng rãi của các nhà tài trợ, các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp.           

 

Để thực hiện những mục tiêu trên, kế hoạch 5 năm cũng đưa ra các nhóm giải pháp lớn. Theo đó, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Đi đôi với việc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giữa các ngành và trong nội bộ từng ngành, trong 5 năm tới, Việt Nam dự kiến tập trung 3 lĩnh vực quan trọng nhất: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, đổi mới phân cấp đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác.

 

Đại diện ADB cho biết, cần có sự thống nhất hơn giữa các chỉ tiêu,những giả định mà kế hoạch đã đưa ra và xác định rõ ràng thứ tự ưu tiên của từng chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, sắp xếp các bước thực hiện mục tiêu theo trình tự hợp lý. Trước mắt, cần phải đưa vào chính sách kinh tế vĩ mô những yêu cầu về quản lý kinh tế vĩ mô và sắp xếp các bước theo một trình tự hợp lý.

 

Đại diện Liên minh châu Âu nhận xét, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% theo như kịch bản đầu tiên có lẽ hợp lý hơn, mục tiêu tăng trưởng có thể hơi khiếm tốn nhưng điều quan trọng là thực hiện cho được việc tái cơ cấu nền kinh tế.

 

Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung  tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng chính sách. Bên cạnh đó, nên ưu tiên phát triển hạ tầng. Không nên để từng địa phương quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng mà nên có chính sách thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

 

Văn Chính

 

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024718381

TRUY CẬP HÔM NAY: 2882

ĐANG ONLINE: 65