Đời sống-Bảo hiễm thất nghiệp


Đăng ký làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM. Ảnh: Duy Phương.

(TBKTSG) - Sau gần ba năm triển khai, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành nguồn quỹ an sinh rất quan trọng đối với người lao động bị thất nghiệp. Song, khi va chạm với thực tế, quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập, quan trọng nhất là nhiều người không thất nghiệp vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Sướng như... thất nghiệp

Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TPHCM - cơ quan quản lý nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong chín tháng đầu năm 2011, tại TPHCM có hơn 70.000 người được nhận trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền khoảng 108 tỉ đồng.

Anh D.T.L., nhân viên thiết kế trò chơi cho một công ty làm phần mềm tại quận 1, TPHCM, kể chuyện anh hưởng bảo hiểm thất nghiệp khá thuận lợi. Anh L. đóng bảo hiểm thất nghiệp hơn một năm trên cơ sở mức lương 5 triệu đồng/tháng. Tháng 5-2011, anh chuyển sang công ty khác làm việc. Trong thời gian thử việc tại công ty mới, anh đăng ký thất nghiệp. Với thời gian đóng bảo hiểm như trên, anh được hưởng ba tháng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng 3 triệu đồng. Sau thời gian thử việc, anh được ký hợp đồng chính thức với công ty mới. Anh L. cho biết trong thực tế anh không bị thất nghiệp ngày nào, thu nhập của anh vẫn ổn định, không bị gián đoạn và lại có thêm nguồn thu nhập từ bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM (Sở LĐ-TB & XH TPHCM), cơ quan duy nhất giải quyết trợ cấp thất nghiệp tại TPHCM, cho biết hiện nay thủ tục để được nhận trợ cấp thất nghiệp rất đơn giản, nhanh chóng. Kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trong vòng bảy ngày (ngày làm việc) người lao động phải đến đăng ký thất nghiệp tại trung tâm. Trong vòng 15 ngày kế tiếp, người lao động sẽ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong vòng 20 ngày, trung tâm sẽ trao quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp và thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động, đồng thời sẽ cấp cho người lao động một thẻ ATM miễn phí. Ngay khi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp có hiệu lực, người lao động cũng được nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên qua thẻ ATM. Nếu sau đó người lao động tìm được việc làm, họ vẫn tiếp tục được nhận trợ cấp thất nghiệp một lần cho thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Ông Hải cho biết thêm, sau khi đăng ký thất nghiệp, người lao động được trung tâm giới thiệu việc làm, thậm chí còn được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để tìm việc. Ngoài ra, trong thời gian thất nghiệp, người lao động không đóng BHYT nhưng vẫn được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT. Tại đây bình quân hàng tháng có gần 10.000 người đến đăng ký thất nghiệp.

Kẽ hở dễ bị trục lợi

Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở LĐ-TB & XH TPHCM, nhận định với quy định hiện hành về việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp một lần, nhiều người lao động không thật sự thất nghiệp vẫn có thể nhận được bảo hiểm thất nghiệp. Bà Dân dẫn chứng những trường hợp đã xảy ra trong thực tế. Đó là người lao động muốn chuyển sang doanh nghiệp hoặc cơ quan mới với mức lương cao hơn nhưng ngay khi có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị đang công tác, họ đi đăng ký thất nghiệp. Trong thời gian thử việc ở công ty mới, họ lại nhận được trợ cấp thất nghiệp. Sau đó khi có quyết định tuyển dụng hoặc ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên, họ được hưởng tiếp trợ cấp thất nghiệp một lần cho toàn bộ thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi không hề có một ngày thất nghiệp.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho rằng người thất nghiệp là người không có việc làm để sinh sống. Nguồn quỹ này chính là “phao cứu sinh” cho họ trong khi tìm việc mới. Thế nhưng những quy định khá thoải mái, về chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay đã phần nào đánh mất ý nghĩa an sinh của nguồn quỹ này.

Ông Hồng chỉ ra thực tế, tình trạng nhảy việc trong công nhân hiện nay khá phổ biến. Khi một công nhân của công ty ông xin nghỉ việc để chuyển sang công ty khác làm việc thì họ không phải là thất nghiệp nhưng họ dễ dàng làm thủ tục để nhận trợ cấp thất nghiệp. Điều này cho thấy quỹ này đã chi không đúng đối tượng và đáng ngại hơn là nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo số liệu của Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, trong gần 78.000 người được nhận trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay có hơn 90% là lao động từ các ngành thâm dụng lao động, như dệt may, da giày... Thực tế những ngành này đang thiếu lao động trầm trọng, các doanh nghiệp phải thường xuyên rao tuyển công nhân thì không có lý do gì lại tồn tại một lượng người lao động thất nghiệp khổng lồ như trên để quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải chi trợ cấp hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết thực tế số lượng người thật sự mất việc làm chỉ khoảng hơn 50% số người đăng ký thất nghiệp, phần còn lại chủ yếu là người lao động thay đổi công việc để có thu nhập tốt hơn, thuận lợi hơn.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp muốn phát huy được tác dụng nên chăng cần sớm tổ chức điều tra, khảo sát tình hình lao động thực tế thật cụ thể để có biện pháp giải quyết rõ ràng.

Nỗi lo vỡ quỹ

Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM (cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp), cho rằng quy định về chính sách hưởng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là quá lỏng lẻo nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Những năm tới, nguồn chi trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng vì thời gian tham gia đóng bảo hiểm của người lao động càng lâu, thời gian hưởng trợ cấp càng nhiều. Nếu không sửa đổi những bất hợp lý trong quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì hoàn toàn có khả năng vỡ quỹ trong tương lai.

 

Duy Phương

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024900722

TRUY CẬP HÔM NAY: 3917

ĐANG ONLINE: 41